Chuyện Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ đang khiến các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc (TQ) cực kỳ thấp thỏm nguy cơ hứng trả đũa. Có thể nói đây là thời điểm cực kỳ gian nan và nhạy cảm với các công ty Mỹ tại TQ, khi chưa thoát khó khăn từ cuộc chiến thương mại thì lại phải nơm nớp lo bị trả đũa vụ bà Mạnh Vãn Châu bị bắt.
Họp báo cuối tuần trước, khi được South China Morning Post (SCMP) hỏi liệu TQ có thực hiện đòn trả đũa với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ hay không, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng khẳng định nước này luôn bảo vệ quyền hợp pháp của người nước ngoài. Tuy nhiên, theo nhà phân tích châu Á Nick Marro tại tập đoàn dự đoán viễn cảnh kinh tế The Economist (Anh), vụ bà Mạnh Vãn Châu sẽ tạo áp lực buộc các quan chức TQ phải hành động mạnh tay. Theo ông Marro, rủi ro này đặc biệt lớn với các công ty công nghệ Mỹ.
Lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc lo kéo về nước
Theo tin từ Reuters, một ngày sau khi tin bà Mạnh Vãn Châu bị bắt được công khai, tại Singapore diễn ra một cuộc họp kín của một nhóm công ty Mỹ và chủ đề chính là nguy cơ các công ty Mỹ hoạt động tại TQ sẽ phải hứng hậu quả. Cuộc họp do Hội đồng Cố vấn an ninh nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ (OSAC) tổ chức với các đại diện từ các tập đoàn Walt Disney Co, Alphabet Inc’s Google, các công ty Facebook Inc, PayPal Holdings Inc…
Các đại biểu tham dự cuộc họp lo ngại lãnh đạo điều hành các công ty Mỹ có thể nằm trong tầm ngắm trả đũa của TQ. Một số nguồn tin có mặt tại cuộc họp cho biết các công ty Mỹ đang cân nhắc hạn chế các chuyến đi không cần thiết tới TQ của các lãnh đạo cấp cao, ưu tiên tổ chức các cuộc họp ở các địa điểm ngoài TQ.
Vụ bà Mạnh Vãn Châu bị bắt đang là tin nóng ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Tổng Giám đốc Jakob Korslund của công ty tư vấn rủi ro Deutsche Risk tại Singapore cho biết mấy ngày gần đây, lượng câu hỏi về rủi ro khi sang TQ gửi đến công ty ông tăng đột biến. Câu trả lời chung nhất của Deutsche Risk là nên hoãn các chuyến đi không thực sự cần thiết, đợi thêm vài tuần nữa xem tình hình thế nào.
Nói với Reuters, Chủ tịch James McGregor của công ty truyền thông APCO Worldwide (Mỹ) chi nhánh tại TQ cho biết rất nhiều công ty Mỹ đã quyết định sẽ tạm thời không đưa các lãnh đạo doanh nghiệp mình sang TQ. Chẳng hạn, tập đoàn truyền thông Cisco (Mỹ) đã gửi thư điện tử yêu cầu nhân viên hủy ngay lập tức lịch sang TQ nếu không cần thiết. Ông McGregor cũng cho biết làn sóng lo lắng đang lan nhanh trong giới điều hành các doanh nghiệp Mỹ tại TQ. Thậm chí có người nửa đùa nửa thật với ông rằng có thể họ sẽ phải bay về Mỹ nghỉ lễ Giáng sinh sớm cho an toàn.
30 năm tù giam là mức án bà Mạnh có thể phải chịu nếu bị dẫn độ sang Mỹ và bị truy tố tội lừa đảo các tổ chức tài chính. Phiên tòa xem xét yêu cầu bảo lãnh cho bà Mạnh sẽ được nối lại tại Vancouver (Canada) hôm nay (10-12), sau khi phiên tòa ngày 7-12 không có kết luận. |
Doanh nghiệp Trung Quốc cũng đứng ngồi không yên
Theo ông Jason Wright, người sáng lập Công ty tình báo Argo Associates (Hong Kong), có rất nhiều cách để TQ bắt người trả đũa: Dưới dạng điều tra chống độc quyền hoặc điều tra tham nhũng. Còn nhớ năm 2010, ông Stern Hu (lãnh đạo cấp cao công ty mỏ Rio Tinto, Anh) bị TQ bắt giam với các tội danh tham nhũng và ăn cắp bí mật thương mại. Ông Hu bị bắt vào thời điểm Rio Tinto và TQ đang trong cuộc thương lượng nảy lửa về giá chuẩn quặng sắt. Ông Hu, một công dân Úc, được tự do đầu năm nay sau tám năm ngồi tù.
Không chỉ các doanh nghiệp Mỹ mà các lãnh đạo nhiều tập đoàn, công ty TQ cũng đang đứng ngồi không yên. Việc bà Mạnh Vãn Châu bị bắt được họ thuyết minh là Mỹ đang trở nên cứng rắn hơn trong chiến lược đối phó đà phát triển công nghệ của TQ. Họ lo ngại Mỹ có thể làm điều đã làm với bà Mạnh Vãn Châu với bất kỳ lãnh đạo doanh nghiệp TQ nào khác và vào bất cứ lúc nào.
SCMP dẫn lời một nhà cố vấn kinh doanh cho Huawei và các công ty công nghệ TQ khác cho biết nhiều lãnh đạo cấp cao của Huawei và các công ty này khả năng lớn sẽ tạm ngưng ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ trong vài tháng tới nhằm giảm thiểu rủi ro. Nhà cố vấn đề nghị không nêu tên này cho biết đã khuyên các công ty công nghệ TQ cẩn trọng trước rủi ro bị Mỹ khoanh vùng. Ông gợi ý các công ty TQ nên mời gọi nhà đầu tư Mỹ góp vốn vào công ty của mình để giảm bớt rủi ro bị Mỹ nhắm đến.
Bà Mạnh bị bắt ngay ngày ông Trump gặp ông Tập Một ngày sau khi tin bà Mạnh bị bắt được công khai, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói với NPR rằng ông đã biết về kế hoạch bắt bà Mạnh trước khi chiến dịch này diễn ra. Tuy nhiên, ông Bolton từ chối nói liệu Tổng thống Donald Trump có biết về điều này trước khi gặp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình hay không. Hai ông Trump, Tập gặp nhau tại Argentina ngày 1-12, đúng ngày Canada bắt bà Mạnh. Ông Bolton có tháp tùng ông Trump trong chuyến sang Argentina dự hội nghị G20. Ngày 8-12, TQ đã triệu tập Đại sứ Canada John McCallum phản đối mạnh việc bắt bà Mạnh, yêu cầu Canada phải thả bà Mạnh ngay lập tức, nếu không sẽ lãnh hậu quả. Cuối tuần trước, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói với báo chí rằng quan hệ với TQ vẫn rất tốt. |