“Trung Quốc kiên quyết yêu cầu phía Canada thả ngay người bị bắt giữ và nghêm túc bảo vệ những quyền hợp pháp, chính thống của họ, bằng không Canada phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả nghiêm trọng đã gây ra” - Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng cảnh báo ngày 8-12, theo RT.
Bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei. Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, Bắc Kinh còn triệu tập đại sứ Canada tại nước này là John McCallum để trao công hàm phản đối việc Ottawa bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, CFO của hãng công nghệ Huawei, hôm 1-12. Ông Le nói rằng bắt giữ bà Mạnh là vi phạm nghiêm trọng quyền của nữ giám đốc tài chính Huawei, là “bất chấp luật pháp và vô lý” và về bản chất thì “cực kỳ ghê tởm”.
Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt theo yêu cầu của Mỹ trong lúc đang quá cảnh tại Vancouver ngày 1-12 vì tình nghi vi phạm lên trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran.
Theo BBC, tòa án tối cao British Columbia, Canada ngày 7-12 cho biết bà Mạnh bị cáo buộc âm mưu lừa đảo các tổ chức tài chính. John Gibb-Carsley, luật sư của chính phủ Canada nói với tòa án rằng Mỹ đang nghi ngờ bà Mạnh âm mưu lừa đảo các tổ chức tài chính để né lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Iran.
Từ năm 2009 đến 2014, Huawei bị cáo buộc sử dụng công ty con Skycom để tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Iran. "Đây là mấu chốt của sự gian lận" - Gibb-Carsley nói. Năm 2013, bà Mạnh khẳng định với các ngân hàng rằng Skycom và Huawei đã "tách riêng" khi các ngân hàng biết Skycom đang kinh doanh tại Iran, luật sư nói.
Huawei phủ nhận mọi hành vi sai trái, khẳng định họ tuân thủ mọi quy định và luật lệ.
Theo hãng tin Reuters, sau phiên điều trần tại tòa kéo dài gần sáu giờ đồng hồ ngày 7-12 mà không đi đến kết luận, phiên điều trần tiếp theo xem xét quyền bảo lãnh tại ngoại của bà Mạnh dự kiến nối lại vào ngày 10-12.
Nếu bị dẫn độ sang Mỹ, bà Mạnh sẽ đối mặt với các cáo buộc ngấm ngầm sử dụng các chiêu thức lừa gạt nhiều cơ quan tài chính quốc tế để vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran và mức án tối đa 30 năm tù.