Philippines, đồng minh của Mỹ ở Đông Á, đang quan tâm và muốn mua một số tàu ngầm Nga để tăng năng lực hải quân trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc quanh tranh chấp biển Đông ngày càng cao.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hồi tháng 6 có nói rằng nước này cần có tàu ngầm để giữ vị thế của mình với các nước láng giềng.
“Chúng tôi là một trong số ít nước không có năng lực này. Chúng tôi đang nhắm tới Hàn Quốc, Nga và cả một số nước khác để mua tàu ngầm” - Manila Times dẫn lời ông Lorenzana.
Đáp lại mong muốn hiện đại hóa quân đội của Philippines, Nga chào mời Philippines mua một số tàu ngầm điện diesel lớp Kilo, thậm chí còn đề nghị cho vay nếu nước này không đủ tiền mua.
Tàu ngầm điện diesel lớp Kilo của Nga ở cảng tỉnh Kaliningrad (Nga). Ảnh: AP
Phía Mỹ dĩ nhiên không để mặc chuyện này. Trong chuyến thăm Philipines ngày 16-8, trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương lên tiếng về việc này.
“Tôi nghĩ họ nên nghĩ lại cẩn thận chuyện này. Nếu họ xúc tiến mua khí tài Nga, tôi không nghĩ sẽ có lợi cho liên minh chúng ta và thực sự thì tôi nghĩ chúng tôi có thể là đối tác tốt hơn Nga.
Chúng ta phải hiểu rõ Nga. Tôi nghĩ không cần phải liệt kê hết danh sách Crimea, Ukraine, tấn công hóa học ở Anh. Nếu làm ăn với Nga, các bạn không chỉ đầu tư vào Nga mà còn ra một tuyên bố về mối quan hệ với Nga” - theo ông Schriver.
Trong thời gian lưu lại Manila, ông Schriver trấn an Philippines rằng Mỹ sẽ là một “đồng minh tốt” và ủng hộ nước này trong tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông.
“Chúng tôi sẽ là đồng minh tốt… không nên có sự hiểu lầm hay thiếu rõ ràng về tinh thần và bản chất cam kết của chúng tôi” - ông Schviver khẳng định. Chuyến thăm và các phát ngôn của ông Schriver diễn ra trong bối cảnh Philippines đang tính ra điều chỉnh chính sách đối ngoại độc lập hơn, bớt lệ thuộc vào Mỹ.
Trong chuyến thăm ông Schriver cũng khuyến khích Philippines cân nhắc mua vũ khí Mỹ, vì điều này có lợi cho sự hợp tác giữa Mỹ và Philippines.
Tuy nhiên, theo Philippine Star, sau cuộc gặp với ông Schriver, ông Loranzana vẫn bay sang Moscow gặp các quan chức Nga.
Không chỉ Philippines, hiện ngày càng nhiều đồng minh, đối tác của Mỹ tìm tới vũ khí của Nga khiến Mỹ mỗi lúc càng thêm cảnh giác, làm áp lực để các nước này không mua vũ khí Nga. Thổ Nhĩ Kỳ vì muốn mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga mà bị Mỹ gây khó chuyện mua tiêm kích tấn công F-35 Lightning. Mỹ cũng cảnh cáo hàng loạt nước Ấn Độ, Saudi Arabia tính lại chuyện mua vũ khí Nga.