Giải Nobel Hòa bình 2018 vinh danh bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege và nhà hoạt động xã hội người Iraq Nadia Murad vì các nỗ lực chấm dứt sử dụng bạo lực tình dục như một loại vũ khí trong chiến tranh và xung đột vũ trang.
Theo Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel Hòa bình NaUy Berit Reiss-Andersen, bác sĩ Mukwege và cô Murad được vinh danh vì “cả hai đã bất chấp rủi ro, can đảm chống lại tội ác chiến tranh, tìm kiếm công lý cho các nạn nhân”.
Bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege (trái) và nhà hoạt động xã hội người Iraq Nadia Murad được vinh danh giải Nobel Hòa bình 2018. Ảnh: KALINGATV
Bác sĩ phụ khoa người Congo Denis Mukwege, bất chấp sự chỉ trích của chính phủ Congo, đã chữa trị cho rất nhiều nạn nhân bị bạo lực tình dục. Cô Murad thuộc cộng đồng sắc tộc người Kurd Yazidi ở Iraq, từng bị IS xông vào làng bắt đi làm nô lệ tình dục. Sau khi được tự do, cô Murad đã không ngừng nghỉ đấu tranh tìm sự chú ý đến bạo lực tình dục và giúp đỡ các nạn nhân. Cô là người trẻ tuổi thứ hai được nhận giải Nobel Hòa bình sau cô Malala Yousafzai (người Pakistan).
Cô Nadia Murad trong lần phát biểu trước LHQ tháng 3-2017. Ảnh: AFP
Giải thưởng được quyết định từ một ủy ban 5 thành viên do Quốc hội NaUy bầu ra và được Viện Nobel NaUy thông báo trưa nay (theo giờ NaUy). Trị giá giải thưởng là 1 triệu USD, sẽ được chia đều cho hai cá nhân.
Có đến 332 ứng viên cho giải Nobel Hòa bình năm nay, con số cao thứ hai trong lịch sử giải này, gồm 216 cá nhân và 115 tổ chức, theo các nhà tổ chức mùa giải Nobel. Chỉ một ít được tiết lộ, còn đa số tên tuổi các ứng viên không được tiết lộ cho tới 50 năm sau ngày giải được công bố.
Bà Berit Reiss-Andersen (trái) - Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel Hòa bình NaUy và ông Olav Njolstad – Thư ký Ủy ban, thông báo giải Nobel Hòa bình 2018 chiều nay 5-10 tại Viện Nobel ở Oslo (NaUy). Ảnh: AP
So với các giải khác, giải Nobel Hòa bình luôn được mong đợi hơn và cũng nhiều tranh luận hơn. Giải Nobel Hòa bình năm nay có thể nói là một bất ngờ lớn khi trước khi giải được công bố, các ứng viên hàng đầu cho giải này được dự đoán là lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, và cả Tổng thống Mỹ Donald Trump với nỗ lực giảm căng thẳng bán đảo Triều Tiên.
Giải Nobel Hòa bình năm 2017 thuộc về tổ chức Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí hạt nhân (ICAN) vì những nỗ lực “thu hút sự chú ý đến hậu quả khủng khiếp lên con người của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, và vì các nỗ lực mang tính đột phá nhằm đạt được một hiệp ước cấm vũ khí này”.
Giải Nobel Hòa bình 2016 thuộc về Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos vì “sự kiên quyết, nỗ lực của ông nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 50 năm qua” ở nước này, sau khi ông đạt được thỏa thuận hòa bình với nhóm phiến quân cánh tả FARC.
Nobel Hòa bình là giải Nobel thứ tư được trao trong năm nay sau các giải Nobel về Y học, Vật lý và Hóa học.