Phát biểu ngày 24-3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh Trung Quốc không quân sự hóa biển Đông, mặc dù ông thừa nhận rằng Trung Quốc có thể đặt thiết bị quốc phòng trên các đảo tranh chấp nhưng chỉ để duy trì “tự do hàng hải”, theo Reuters.
“Các cơ sở xây dựng của Trung Quốc, trên các đảo và bãi đá, chủ yếu được dùng cho mục đích dân sự và thậm chí nếu có một số lượng cơ sở hay thiết bị quốc phòng nào đó tại đây, chúng sẽ chỉ được dùng cho mục đích duy trì tự do hàng hải”- ông Lý nói trước các phóng viên ngày 24-3 trong khuôn khổ chuyến thăm Úc.
Về phía Úc, tại cuộc gặp với ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã lặp lại lập trường của Canberra rằng Trung Quốc không được xây dựng trên các đảo và bãi đá. “Chúng tôi kêu gọi các bên giải quyết những khác biệt một cách hòa bình thông qua đàm phán phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Úc. Ảnh: REUTERS
Úc từng cùng Mỹ tham gia các hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói rằng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa ở biển Đông sẽ tạo ra bầu không khí nghi ngờ trong khu vực.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vô lý tại hầu hết khu vực ở biển Đông bất chấp cộng đồng quốc tế lên án. Cùng với đó, nước này còn nạo vét và bồi đắp các bãi đá thành các đảo nhân tạo, khiến các nước trong và ngoài khu vực quan ngại.
Theo Reuters, Mỹ ước tính Trung Quốc đã bồi đắp trái phép thêm hơn 1.300 héc-ta đất trên bảy thực thể ở biển Đông trong ba năm qua. Bắc Kinh còn ngang nhiên xây dựng các đường băng, cảng, nhà chứa máy bay và các thiết bị dùng cho mục đích liên lạc.
Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) hồi cuối tháng 2-2016 có công bố những hình ảnh chụp trước đó một tháng cho thấy Trung Quốc có thể đã bố trí hệ thống radar tần số cao tại đá Châu Viên, một trong 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo.
Trung Quốc còn lắp đặt một số radar khác trên đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa và đá Gạc Ma tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Kết quả phân tích của CSIS chỉ vào thời điểm đó đã cho thấy Bắc Kinh có thể đang lắp radar, xây trạm quan sát, hải đăng, bãi đáp trực thăng, boong-ke, bến cảng, ụ súng… ở bốn bãi đá này.