Triều Tiên sẽ đổi hạt nhân lấy hòa bình?

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên mở ra nhiều tín hiệu lạc quan khi Hàn Quốc muốn chấm dứt tình trạng chiến tranh kéo dài hơn nửa thế kỷ qua.

Cân nhắc hòa ước liên Triều

Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 18-4 cho hay nước này đang cân nhắc chấm dứt tình trạng chiến tranh đã kéo dài hơn 60 năm với Triều Tiên và tiến tới xây dựng một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo, theo hãng tin Yonhap. Giám đốc Văn phòng an ninh quốc gia Chung Eui-yong cũng nói rằng Hàn Quốc và Mỹ có thể sẽ tiến tới ký hiệp ước hòa bình với Triều Tiên khi nước này từ bỏ hoàn toàn tham vọng hạt nhân.

Theo ông Chung, Seoul và Washington đang bàn bạc sâu về hàng loạt biện pháp nhằm tổ chức thành công các cuộc gặp thượng đỉnh với Washington. “Chúng tôi đang bàn phải dỡ bỏ quan ngại an ninh của Triều Tiên như thế nào. Chúng tôi cũng thảo luận sâu cách thức đảm bảo tương lai tươi sáng cho Triều Tiên, giúp nước này có quyết định đúng” - ông Chung cho biết. Hàn Quốc và các đồng minh đang cân nhắc cách phản hồi phù hợp một khi Triều Tiên giải trừ hạt nhân. 

Hàn Quốc vẫn có thể gặp khó khăn về mặt thủ tục khi tiến tới ký hiệp ước hòa bình với Triều Tiên. Trả lời đài CNBC, ông Bruce Klingner, chuyên gia hàng đầu về Đông Bắc Á tại Quỹ Heritage, cho biết: “Khi tôi gặp các quan chức Triều Tiên hồi năm ngoái, họ bảo rằng Hàn Quốc không đủ “điều kiện” tham gia đàm phán hòa bình vì Hàn Quốc không tham gia ký hiệp định đình chiến và không có quyền chỉ huy tác chiến thời chiến (OPCON) đối với lực lượng nước họ”.

Ông Kim Jong-un đứng cạnh một đầu đạn hạt nhân. Hình ảnh được công bố ngày 3-9-2017, vài tiếng trước vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Năm 2020 sẽ là bước ngoặt?

Tờ Japan Times cho biết ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã bắt đầu thảo luận ý kiến về việc yêu cầu Triều Tiên giải trừ hạt nhân lộ trình tới mùa hè năm 2020. Còn theo hãng tin Kyodo, các bên đang xem xét phương án mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự Olympic Tokyo 2020 để biến năm này trở thành bước ngoặt quan trọng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng muốn xúc tiến giải trừ hạt nhân Triều Tiên trước thềm diễn ra cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11-2020. Các khung thời gian khác như trong năm 2018 hay một năm sau khi Mỹ và Triều Tiên đạt được một thỏa thuận cụ thể… cũng đang được cân nhắc.

Theo Japan Times, ba nước sẽ phải nhượng bộ Triều Tiên ở mức độ nào đó để hướng tới vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân và cho các thanh tra viên vào kiểm tra. Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 26-3, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đề xuất cách tiếp cận “đồng bộ theo từng giai đoạn” để giải trừ hạt nhân, chính phủ Trung Quốc tiết lộ. Theo như cách tiếp cận này, ông Kim sẽ không đồng ý giải trừ hạt nhân mà không thu lại lợi ích gì, chẳng hạn như nới lỏng lệnh trừng phạt hoặc như hỗ trợ kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17-4 cho hay ông ủng hộ các nỗ lực giữa Hàn Quốc và Triều Tiên hướng đến chấm dứt tình trạng chiến tranh đã tồn tại quá lâu giữa hai nước, theo Reuters.

Ông Trump tin rằng các bên có nhiều thiện chí trong những nỗ lực thúc đẩy ngoại giao với Triều Tiên hiện nay, song thêm rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và ông Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 vẫn có khả năng không diễn ra như mong đợi. Nếu nỗ lực tổ chức thượng đỉnh thất bại, Mỹ và đồng minh vẫn duy trì sức ép lên Bình Nhưỡng thông qua các gói trừng phạt, ông chủ Nhà Trắng cho biết.

_________________________

“Người ta không nhận ra chiến tranh Triều Tiên chưa kết thúc nhưng nó sẽ sớm thôi. Hai miền Triều Tiên đang thảo luận về chuyện kết thúc chiến tranh” - Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định với Reuters.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm