Trung Quốc (TQ) đã kêu gọi Mỹ không dùng hành động quân sự đối với lực lượng chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad liên quan tới cáo buộc tấn công vũ khí hóa học ở thị trấn Douma, vùng Đông Ghouta, Syria hôm 7-4, theo Newsweek.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Cảnh Sảng nói với báo giới rằng chính phủ TQ “lấy làm tiếc” sau các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc liên quan tới nghi án tấn công khí độc ở Douma không được thông qua. Dù vậy, ông Cảnh cho hay “chuyện phải lo bây giờ là tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, công bằng và khách quan về nghi án tấn công hóa học ở Syria để tìm ra sự thật”.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad gặp gỡ các binh sĩ quân đội Syria sau khi Đông Ghouta bị tấn công hôm 18-3. Ảnh: Newsweek
Cả Mỹ lẫn Nga đã ủng hộ hai nghị quyết trái ngược nhau dù cả hai đều kêu gọi một cuộc điều tra vụ tấn công nhưng nghị quyết của Mỹ bao gồm mở đường can thiệp quân sự đối với chính phủ Syria. Pháp, Saudi Arabia và Anh đã ủng hộ Mỹ đe dọa tấn công Syria, bất chấp Nga tuyên bố sẽ trả đũa và TQ kêu gọi giải quyết vấn đề thông qua ngoại giao mà không xâm phạm chủ quyền Syria.
“Chúng tôi luôn tin rằng giải quyết chính trị là cách khả thi duy nhất và các giải pháp quân sự sẽ chẳng dẫn đến đâu. TQ luôn ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp, phản đối việc sử dụng bừa bãi hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các mối quan hệ quốc tế và hành động theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc” - ông Cảnh Sảng nhấn mạnh.
TQ đứng về phía Nga bảo vệ chính phủ ông Assad tại LHQ kể từ những ngày đầu của cuộc nổi dậy ở Syria năm 2011. Mặc dù TQ không đóng vai trò quân sự đáng kể trong cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ bảy ở Syria hay tham gia cuộc chiến đa quốc gia chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), song nước này cũng đã bắt đầu thực hiện các giao dịch thương mại sinh lợi để đầu tư vào sự tái thiết Syria trong bối cảnh chính phủ ông Assad giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ với sự tiếp ứng của Nga và Iran.
Trung Quốc cũng thấy hoài nghi về cáo buộc chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công hóa học ở Douma, vì vậy đã kêu gọi Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tổ chức một cuộc điều tra toàn diện. Ông Assad đã mời OPCW khám nghiệm hiện trường vụ tấn công. Ngoài ra, một cuộc điều tra của quân đội Nga cũng không phát hiện thấy chất độc nào.
Đại sứ TQ tại LHQ Mã Triêu Húc (phải) nói chuyện với Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tại cuộc họp của HĐBA LHQ về lệnh ngừng bắn ở Syria hôm 24-2. Ảnh: Newsweek
“Moscow và Damascus nhiều lần nhấn mạnh cáo buộc tấn công hóa học là "dối trá". Chính phủ Syria cũng hoan nghênh phái đoàn LHQ tới Douma điều tra. Mỹ cũng nên cho chính phủ ông Assad cơ hội giải thích và chờ tới khi có kết quả điều tra của LHQ hẵng hành động” - trích đoạn trong bài viết hôm 12-4 của tờ Thời Báo Hoàn Cầu, ấn phẩm của tờ Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản TQ. Bài viết thêm rằng cuộc tấn công có nguy cơ khơi mào một cuộc xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Nga.
“Mặc dù sức mạnh toàn diện của Nga đã suy yếu nhưng chúng ta vẫn đang chứng kiến năng lực mạnh mẽ nhất của Nga ở Trung Đông. Nếu Mỹ không chịu tôn trọng Nga, một cường quốc hạt nhân thì Mỹ có lẽ sẽ đối mặt với hậu quả khủng khiếp. Chúng tôi hy vọng chính phủ Tổng thống Trump suy nghĩ lại trước khi tấn công Syria” - Thời Báo Hoàn Cầu viết.
Quân đội TQ và Nga có mối quan hệ mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hai bên đã tham gia tập trận chung và trao đổi các chuyến thăm chính thức. Tân Bộ trưởng Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa hồi đầu tháng này bày tỏ ủng hộ Moscow, nói rằng “phía TQ đã cho người Mỹ thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang TQ và Nga”.