Thượng đỉnh Mỹ-Triều đã kết thúc. Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã rời Singapore. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm nay (13-6) từ Singapore sang Hàn Quốc thông báo về thượng đỉnh vừa rồi, sau đó sẽ bắt tay vào thương lượng thỏa thuận hạt nhân với phía Triều Tiên vào tuần tới.
Trao đổi với Sputnik, giáo sư kiêm nhà sử học Charles Armstrong, nghiên cứu về Triều Tiên tại ĐH Columbia (Mỹ), nhận định thượng đỉnh với Mỹ là chiến thắng tuyệt vời của ông Kim khi gặp mặt, đối mặt với một tổng thống Mỹ là điều Triều Tiên mong muốn đã hàng thập niên nay. Chính bản thân ông Kim đã thừa nhận khi gặp ông Trump sáng 12-6 rằng: Cuộc gặp giữa ông và ông Trump như “một cảnh ngoạn mục trong phim khoa học giả tưởng”.
Chuyện một lãnh đạo Triều Tiên - ông Kim (trái) gặp một tổng thống đương nhiệm Mỹ - ông Trump (phải) là “một cảnh ngoạn mục trong phim khoa học giả tưởng”. Ảnh: ST
Chưa hết, ông Kim còn nhận được nhiều nhượng bộ từ ông Trump, nổi bật nhất là chuyện ngừng tập trận chung Mỹ-Hàn. Thêm nữa, Triều Tiên còn được Trung Quốc lên tiếng kêu gọi hộ rằng cộng đồng thế giới nên dỡ bỏ trừng phạt.
Cùng nhìn kỹ lại những gì Mỹ được nhận lại từ Triều Tiên. Trước thượng đỉnh, phía Mỹ luôn khăng khăng rằng ông Kim phải đồng ý “giải trừ toàn diện, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược” kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Cụm từ này không hề xuất hiện trong văn kiện mà hai ông Trump-Kim đã ký.
Thêm nữa, văn kiện cũng không đề cập lịch trình ông Kim từ bỏ hạt nhân, thực hiện chuyện thẩm tra, thậm chí thiếu cả định nghĩa hai bên thống nhất về giải trừ hạt nhân.
Ông Trump nói thượng đỉnh là điểm bắt đầu và chuyện Mỹ nhượng bộ là không có gì lớn.
“Tôi chẳng từ bỏ gì cả” - ông Trump nói tại cuộc họp báo chiều 12-6, sau đó liệt kê một danh sách những cái mà ông cho là sự nhượng bộ của Triều Tiên: Ngừng thử hạt nhân và tên lửa, thả ba công dân Mỹ trước đó, hứa sẽ trao trả hài cốt lính Mỹ từ thời chiến tranh Triều Tiên.
Ông Trump trong cuộc họp báo chiều 12-6 tại Singapore. Ảnh: NYT
Nói thế không có nghĩa ông Kim đã đạt được tất cả những gì mình muốn. Ông Trump nói rõ sẽ duy trì trừng phạt đến chừng nào ông thấy có bằng chứng rằng Triều Tiên giải trừ hạt nhân. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 13-6 nói Mỹ có hứa sẽ dỡ bỏ trừng phạt cho Triều Tiên nhưng tuyên bố này chưa có xác nhận từ Mỹ. Còn nữa, ông Kim chỉ thắng được một cam đoan mơ hồ từ ông Trump rằng sẽ “đảm bảo an ninh”, thay vì một hiệp ước chính thức chấm dứt thù địch giữa hai nước.
Chắc chắn con đường phía trước của ông Kim sẽ không đơn giản. Nhưng theo GS Armstrong, với chiến thắng này, ông Kim có thể ngẩng cao đầu trở về và tự tin tập trung vào ưu tiên mình đã vạch ra: Chuyển từ phát triển vũ khí hạt nhân sang phát triển kinh tế cho người dân Triều Tiên.
Ông Kim (trái) và ông Trump (phải) cùng nhau bước vào phòng gặp song phương sáng 12-6. Ảnh: NYT
Mỹ cho nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu
Trong khi đó, nhiều nhà quan sát Mỹ lo ngại đến lúc này ông Trump vẫn chưa cho thấy mình sẽ tránh được vết xe cũ mà các người tiền nhiệm đã đi khi đối thoại với Triều Tiên: Trao cho Triều Tiên quá nhiều mà không nhận lại được gì.
Theo nhà nghiên cứu cấp cao Anthony Ruggiero tại Tổ chức Bảo vệ dân chủ Mỹ, cựu quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ, từng phụ trách điều tra các hoạt động tài chính trái phép của Triều Tiên, cuộc gặp của ông Trump và ông Kim nặng về phô trương và trình diễn hơn thực chất.
“Cú bắt tay mang tính lịch sử nhưng đã che đi tính thiếu thực chất của thượng đỉnh. Điều quan tâm bây giờ là Tổng thống Trump không bước vào vết xe đổ mà các đời tổng thống trước đã bước khi giao dịch cùng các thế hệ trước của ông Kim, khi họ chỉ hứa sẵn sàng giải trừ hạt nhân và rồi không thực hiện”.
Nụ cười của ông Kim trong khi đi dạo quanh khách sạn Capella (Singapore) cùng ông Trump sau bữa trưa 12-6. Ảnh: AP
Họp báo chiều 12-6, ông Trump luôn miệng nói văn kiện mà mình đã ký với ông Kim là “toàn diện”, nhưng trong tuyên bố không có dòng nào đề cập khi nào hay bằng cách nào ông Kim thực hiện các lời hứa của mình.
Viết trên Twitter sau khi hai ông Trump-Kim ký văn kiện, ông Michael McFaul, đại sứ Mỹ tại Nga thời Tổng thống Barack Obama, đánh giá Mỹ “đã từ bỏ rất nhiều mà không được gì cả”, rằng thỏa thuận không mang tính ràng buộc.
Ông Beatrice Fihn, Giám đốc điều hành Chiến dịch quốc tế Hủy bỏ vũ khí hạt nhân, cho rằng văn kiện này “không thực chất”. Theo ông Fihn, lý ra ông Trump và ông Kim nên ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.