Làn sóng ướp xác chờ hồi sinh

Hiện nay có gần 1.000 người trên thế giới, từ những tỉ phú của thập niên 1960 cho đến người nổi tiếng hay những công dân bình thường, đều muốn được sống lại sau khi chết. Trong danh sách có cả những cái tên Britney Spears, Simon Cowell, Don Laughlin (trùm kinh doanh lĩnh vực cờ bạc tại Mỹ) hay đạo diễn Charles Matthau… Với cái giá từ 12.000 đến 200.000 USD (khoảng 258 triệu đến 4,3 tỉ đồng), những “người không muốn chết” đó đã chi ra hoặc đã đặt sẵn một tấm vé cho một cuộc đời mới trong tương lai.

Có thể xem đây là giấc mơ trường sinh bất tử của con người đang được toàn cầu hóa? Bởi sau một thời gian chỉ khu trú tại Mỹ với Alcor năm 1972 và Cryonics Institute năm 1976 thì đến năm 2003 đã có KrioRus của Nga. Và một cơ sở ướp đông như thế được xây dựng tại Úc vào năm 2014 theo dự án của Stasis Systems Australia (SSA), một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong mục đích triển khai phương pháp đầy tham vọng này xuống khu vực Nam bán cầu.

Ruồi giấm sống lại thì người cũng có thể!

Thập niên 1990, phương pháp “thủy tinh hóa” đã giúp giữ thi thể được tốt hơn. Thay vì chỉ đơn giản làm đông lạnh cơ thể, người ta đã dùng các hóa chất chống đông để bơm vào thay thế các chất lỏng trong cơ thể như nước, máu,… nhằm tránh hình thành các tinh thể tuyết khi nhiệt độ giảm xuống rất thấp, giữ cho các mô không bị hủy hoại. Ông Max More - Chủ tịch Công ty Alcor cho rằng khi đó não vẫn trong tình trạng tốt ở nhiệt độ -196 độ C.

Kế đến là phương pháp rã đông cũng tiến bộ rất nhiều. Năm 2004, hai chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu 21st Century Medicine”tại California là Gregory Fahy và Brian Wowk đã rã đông và cấy ghép lại thành công quả thận của một con thỏ. Đến năm 2010, họ đã thậm chí thực hiện thao tác này trên hai con vật khác nhau. Năm 2012, người Czech đã đông lạnh được ấu trùng ruồi giấm và sau đó làm chúng sống lại.

Tuy nhiên, đối với một cơ thể phức tạp như con người thì cho đến hiện nay không chuyên gia nào dám hứa hẹn điều gì. Mặc dù vậy người ta vẫn hy vọng và… chờ. Có thể đọc được trên trang mạng của Cryonics Institute lời khẳng định: “Những người được ướp xác như thế được xem như những bệnh nhân đang mê man vô thức trong bệnh viện”.

Bé Matheryn Naovaratpong, người Thái Lan, người trẻ tuổi nhất được đông lạnh chờ hồi sinh vào đầu năm nay.

“Đánh lừa cái chết”?

Các lập luận về đạo đức sinh học xoay quanh việc tìm hiểu xem liệu quy trình trữ đông cơ thể như vậy có thể nào được cảm nhận như là một nghi thức an táng hay như là một thủ pháp y học: Một can thiệp y khoa đưa con người vào tình trạng hôn mê sâu với tiên lượng không chắc chắn.

Thêm vào đó, còn có lập luận rằng thao tác trữ đông thi thể như thế tức là “đánh lừa cái chết”, tức tạo dư luận xung quanh rằng anh, chị hay ông, bà kia vẫn còn đang sống trong khi thật sự là họ đã chết rồi! Vậy phải chăng vì thế tại Mỹ, để không ai có thể “đánh lận con đen”, luật pháp quy định việc ướp lạnh để trữ đông cơ thể như thế này chỉ được phép thực hiện trên một người đã được làm xong giấy khai tử.

Sống lại chắc chắn sẽ… đau khớp

Có nhiều lý giải khá hài từ những người quyết định ướp xác để chờ thời, một vài dẫn chứng sau đây: “Ai cũng nói là khó mà có được cơ hội để hồi sinh nhưng thế thì đã sao nào? Không mua vé số thì làm sao mà trúng số!”; “Nếu được hồi sinh thì tôi sẽ bị lạc lõng trong một thế giới mới toanh và xa lạ ư? Không đâu, bởi vì ở đó tôi sẽ gặp được tất cả những ai đã là thành viên của Hội Cryonics UK mà. Toàn là những người quen biết cũ!”. Còn những người coi ướp xác chờ hồi sinh chỉ là chuyện viển vông thì lo ngại những xác ướp nếu sống lại thì chắc chắn họ sẽ bị… đau khớp vì đã chổng ngược lên trời trong một tư thế lâu đến cả trăm năm thì không đau khớp mới là chuyện lạ.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra một khi những xác ướp sống lại trong thời đại hoàn toàn khác, khi mà tâm lý, kiến thức và thể chất con người đương đại đã tiến hóa lên một nấc mới? Những người trung thành nhất của trường phái triết lý “siêu nhân học” (transhumanism) thì nghĩ rằng có thể sẽ sao chép được kho dữ liệu kiến thức của nhân loại sang bộ não của những người hồi sinh này và giúp họ cập nhật được mọi thông tin của thời đại và không bị bơ vơ lạc lõng và lạc hậu trong một thế giới mới hoàn toàn xa lạ sau khi họ “tỉnh” lại.

Cháu chắt sẽ trò chuyện với… cái đầu của ông bà

Ba chuyên gia của ĐH Oxford là Nick Bostrom, Anders Sandberg và Stuart Armstrong đã đồng ý đánh cược cho tương lai bằng phương pháp này. Stuart Armstrong thì quyết định ướp toàn bộ cơ thể trong khi hai người còn lại thì chỉ chịu ướp… đầu. Vậy thì họ sẽ ghép đầu của mình vào… đâu? Chuyên gia Sandberg thì hy vọng rằng các thế hệ con cháu chắt của chúng ta sẽ tiến bộ đến mức có thể giúp ông chỉ sống bằng đầu mà thôi, nhờ vào các máy vi tính được kết nối với cái đầu rời lăn lóc của mình! Còn Stuart Armstrong thì khiêm tốn hơn khi phát biểu trên tờ Dailymail rằng ông sẽ có thể sống lại sau 200 năm nữa để “(tái) khám phá một thế giới vô cùng tuyệt vời khi đó”.

Ướp xác sớm sẽ được… giá ưu đãi

Giám đốc Danila Medvedev của công ty trữ đông thi thể KrioRus ở Nga trả lời phỏng vấn trên tạp chí Paris Match vào tháng 8-2014.

. Phương pháp này không kèm rủi ro nào sao, thưa ông?

+ Danila Medvedev: Không loại trừ nguy cơ rủi ro nhưng chúng tôi sử dụng những công nghệ mũi nhọn tiên tiến nhất để bảo toàn cơ thể bệnh nhân và chúng tôi không ngừng nghiên cứu phát triển những dụng cụ, trang thiết bị và phương pháp để chỉnh sửa kịp thời những rủi ro đó.

. Vậy việc nghiên cứu đó giờ đang trong giai đoạn nào?

+ Phương pháp bảo quản và cấy ghép các cơ quan trong cơ thể đã đi được những bước tiến vượt bậc. Đến một lúc nào đó thì chúng tôi hy vọng sẽ ngăn chặn được tiến trình thoái hóa cơ thể do bệnh tật và lão hóa.

. Có phải mọi người đều có thể tham gia chương trình này?

+ Đúng vậy và không có giới hạn tuổi tác nào cả. Chúng tôi khuyến khích mọi người tham gia chương trình này càng sớm càng tốt để được hưởng những ưu đãi về giá cả. Tại Moscow, chúng tôi có các dạng hợp đồng với mức giá từ 440 euro (hơn 10 triệu đồng)/năm trở lên dành cho người trẻ tuổi. Người già thì phải trả gần 9.000 euro (khoảng 212 triệu đồng) nếu chỉ muốn ướp đông phần đầu hay bộ não và hơn 26.000 euro (tương đương 610 triệu đồng) nếu muốn ướp toàn bộ cơ thể.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

(PLO)- Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như muốn đổi tên nước này thành “Bharat” để tách Ấn Độ khỏi quá khứ thuộc địa.