Ngày 9-4, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho hay Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) đã thỏa thuận với 14 chủ tàu vỏ thép do công ty này đóng bị hỏng phải nằm bờ nhiều tháng. Theo đó, Công ty Nam Triệu “hỗ trợ” cho chủ tàu bị thiệt hại nặng nhất 450 triệu đồng, ít nhất 100 triệu đồng.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, trước đây 14 chủ tàu yêu cầu Công ty Nam Triệu bồi thường thiệt hại hơn 36,5 tỉ đồng. Khi đó lãnh đạo Công ty Nam Triệu cho rằng yêu cầu của ngư dân về bồi thường là chính đáng, công ty ghi nhận và hứa bồi thường hợp lý, giải quyết dứt điểm trong tháng 2-2018. Tuy nhiên, sau đó công ty này yêu cầu ngư dân kê khai lại thiệt hại, cung cấp chứng từ, hóa đơn để có cơ sở xem xét trả lời. Sau khi ngư dân kê khai lại, số tiền yêu cầu bồi thường giảm còn 27,8 tỉ đồng. Thế nhưng Công ty Nam Triệu có văn bản cho rằng công ty không có trách nhiệm bồi thường với lý do yêu cầu bồi thường thiệt hại của 14 chủ tàu là không có căn cứ.
Việc sửa chữa tàu vỏ thép kéo dài nhiều tháng liền khiến ngư dân bị thiệt hại nặng. Ảnh: TL
Tại cuộc họp do Sở NN&PTNT tổ chức chiều 2-4, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, đề nghị tiếp tục gặp từng chủ tàu để thương lượng từng khoản thiệt hại. Thế nhưng khi thương lượng lại, đại diện công ty này vẫn từ chối bồi thường.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết thêm hiện Sở đang tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh. “Quyền quyết định chính vẫn là các chủ tàu. Nếu các công ty đóng tàu đưa ra số tiền quá thấp so với thiệt hại thực tế, bà con ngư dân có quyền từ chối để khởi kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường thỏa đáng. Tinh thần là tỉnh luôn sẵn sàng hỗ trợ về mặt pháp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con ngư dân” - vị lãnh đạo Sở NN&PTNT nói.
Trước đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) cũng chỉ “hỗ trợ” tổng cộng 881 triệu đồng cho năm chủ tàu vỏ thép do công ty này đóng bị hỏng. Trong khi đó, năm ngư dân chủ tàu yêu cầu công ty này bồi thường tổng cộng hơn 5,3 tỉ đồng.
“Tại các buổi thương lượng với chủ tàu, đại diện Công ty Nam Triệu nói đã thay máy mới, sửa chữa, khắc phục toàn bộ hư hỏng của các tàu nên công ty không có trách nhiệm bồi thường mà chỉ “hỗ trợ” thiệt hại cho ngư dân. Dù biết bất hợp lý vì số tiền bồi thường quá thấp so với giá trị thiệt hại thực tế nhưng hầu hết bà con ngư dân đành chấp nhận. Bà con nói rằng không còn đủ sức, thời gian để theo đuổi sự việc nên chấp nhận thiệt thòi để tiếp tục làm ăn” - một lãnh đạo UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho biết. |