Vụ nhận chìm: Hơn 4 triệu m3 bùn, cát sẽ vào đâu?

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, liên quan đến vụ nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong (gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Bình Thuận), mới đây tỉnh Bình Thuận đã đề xuất hướng xử lý khác. Cụ thể, thay vì nhận chìm chất nạo vét trên xuống biển để phải đối diện với các nguy cơ tác động đến môi trường và hệ sinh thái của Khu bảo tồn Hòn Cau, tỉnh này đã đề nghị chuyển khối lượng chất nạo vét trên về cảng tổng hợp Vĩnh Tân dùng vào việc lấn biển. Cùng đó, Bình Thuận cũng đã đề xuất nhiều vị trí bị sạt lở của các khu dân cư gần đó đang rất cần khối lượng vật chất để xây kè lấn biển, bảo vệ nhà cửa, đời sống của người dân.

Rất nhiều bờ biển sạt lở, cần kè lấn biển

Để làm rõ hơn thông tin này, ngày 7-8 chúng tôi đã trao đổi với một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận. Vị này cho biết cảng tổng hợp Vĩnh Tân có hơn 141 ha diện tích mặt nước, trong đó khoảng 51 ha diện tích mặt nước dùng để san lấp phục vụ xây dựng kho bãi, hạ tầng giao thông nội bộ cảng và dịch vụ cảng. 90 ha còn lại được sử dụng để làm diện tích khu mặt nước của cảng (gồm công trình thủy công, khu mặt nước trước bến, khu quay trở tàu, luồng tàu…). Theo vị này, với phần diện tích 51 ha đề cập ở trên, hiện có thể tiếp nhận nhiều hơn khối lượng gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.

Liên quan đến việc đề xuất các khu vực để tiếp nhận bùn, cát nạo vét từ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết Sở đã có báo cáo phương án tận dụng vật chất nạo vét sau khi đã làm việc với các ban, ngành, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam và Ban quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Cụ thể, hiện nay bờ biển thôn Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Tân) cách Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân khoảng 2 km đang bị sạt lở với chiều dài khoảng 800 m, xâm thực vào đất liền 20-30 m. Việc xâm thực này làm hư hỏng hàng loạt nhà dân cùng công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 114 hộ dân sinh sống ven bờ biển.

Cùng đó là bờ biển thôn Vĩnh Tiến, cách Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 km, cũng bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài lên đến khoảng 2.992 m, xâm thực vào đất liền 10-30 m, gây mất ổn định nhà cửa của người dân và công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu dân cư giáp bờ biển. Đồng thời việc xâm thực này làm hư hỏng các công trình hạ tầng kỹ thuật của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôm giống dọc bờ biển.

Hai vị trí sạt lở ở thôn Vĩnh Hưng và Vĩnh Tiến (X. Vĩnh Tân, Tuy Phong, B.nh Thuận) rất gần Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, có thể tận dụng được hơn 2 triệu m3 vật chất nạo vét. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Các khu dân cư bị tác động nghiêm trọng bởi sự xâm thực ở gần Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đang rất cần xây kè lấn biển. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Địa điểm thứ ba là bờ biển khu phố 13, 14 (thị trấn Liên Hương), cách Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân 15 km, bị sạt lở với chiều dài khoảng 1.200 m, xói sâu vào đất liền 50-100 m đã làm sập hoàn toàn 25 căn nhà và đang tiếp tục đe dọa đến sự ổn định của hàng trăm căn nhà khác cùng công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư.

Ngoài ba địa điểm trên, hiện bờ biển thôn Gành Rái (xã Chí Công), cách Vĩnh Tân 40 km cũng bị sạt lở gần 400 m, xâm thực vào đất liền 10-15 m, gây mất ổn định nhà cửa của các hộ dân và công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư giáp bờ biển. Ngoài ra còn một số vị trí sạt lở sâu khác cũng đang cần làm kè lấn biển.

Góp phần lấn biển hàng chục hecta

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, khối lượng vật chất nạo vét tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân dự kiến gần 4,3 triệu m3 (gồm nạo vét luồng tàu gần 1,3 triệu m3; nạo vét trước bến cảng và vũng quay tàu gần 3 triệu m3). Trong đó, riêng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 khối lượng chất nạo vét đã lên đến 3,6 triệu m3 (nạo vét đổ vào kho than trung chuyển 1,2 triệu m3; nạo vét đổ ra bãi ngoài khơi 2,4 triệu m3).

Theo tính toán của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, đối với bờ biển thôn Vĩnh Hưng, thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân dự kiến khối lượng bãi đổ đã lên đến hơn 2 triệu m3. Đây là hai vị trí nằm sát với khu vực nạo vét của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, vì vậy thuận lợi cho công tác thi công nạo vét kết hợp bồi lấp bờ biển do cự ly vận chuyển gần, tiết kiệm kinh phí đầu tư. Việc sử dụng bãi đổ tại hai khu vực này sẽ tận dụng được hơn 2/3 khối lượng vật chất nạo vét trên đây. Đồng thời, với khối lượng đó có thể sẽ bồi lấp trả lại mặt bằng cho khu vực xã Vĩnh Tân với diện tích lên đến gần 38 ha. Do vậy, đề xuất lựa chọn vị trí bãi đổ tại xã Vĩnh Tân là ưu tiên một.

Ưu tiên thứ hai là bờ biển khu phố 13, 14 (thị trấn Liên Hương), bãi đổ tại vị trí này sẽ tận dụng được khối lượng nạo vét khoảng 840.000 m3, lấn biển thêm 12 ha.Với khối lượng còn lại hơn 1,2 triệu m3 chất nạo vét, tỉnh đề xuất vận chuyển đến bồi lấp bờ biển xã Hòa Phú.

Tại cuộc làm việc, hầu hết các sở, ngành thống nhất đề xuất lựa chọn bốn vị trí bồi lấp bờ biển thuộc huyện Tuy Phong như đã nêu với tổng khối lượng bồi lấp dự kiến lên đến hơn 4 triệu m3.

Đã giao Nhiệt điện Vĩnh Tân nghiên cứu

Cùng với đưa ra những vị trí trên, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cũng đã chính thức kiến nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân chủ trì lập dự án “Khảo sát, nghiên cứu tận dụng vật chất nạo vét tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân để bồi lấp vào các vị trí bờ biển bị sạt lở tỉnh Bình Thuận” làm cơ sở so sánh tính khả thi, hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường với phương án nhận chìm.

Đặc biệt, để hạn chế tình trạng sóng biển cuốn trôi khối lượng vật chất đã bồi lấp vào các vị trí bờ biển bị sạt lở cũng như ổn định lâu dài phần bờ biển mở rộng, kiến nghị UBND tỉnh xem xét đề nghị các chủ dự án trong Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng đê, kè tại các vị trí cần bồi lấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm