Liên quan đến vụ việc nhiều con bò chính sách đã bị bán vào lò mổ xảy ra ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), ngày 29-3, ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT đã cử cán bộ vào để làm rõ vụ việc.
Một con bò chính sách của người dân tại xã Triệu Độ vẫn sống tốt.
Cũng theo ông Hiền, trong sáng cùng ngày, Sở cũng đã cử cán bộ theo đoàn của Cục Chăn nuôi đi nắm tình hình chung việc thực hiện Quyết định 50/2014 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc bò chính sách bị bán vào lò mổ xảy ra ở xã Triệu Độ.
"Sở đang tiếp tục thu thập hồ sơ để báo cáo lên UBND tỉnh cụ thể sự việc xảy ra ở xã Triệu Độ" - ông Hiền nói.
Cùng ngày, ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Triệu Độ, cho biết chính quyền địa phương đã có buổi làm việc với năm hộ dân bán năm con bò giống. Tại buổi làm việc, năm hộ dân đã nhận sai và cho biết khi đưa về địa phương những con bò này không thích nghi, sợ bò chết nên họ đã bán nhằm lấy lại 4 triệu đồng tiền đối ứng. Đồng thời, các hộ dân đồng ý trả lại số tiền 14 triệu đồng nếu Nhà nước yêu cầu nhưng thú nhận là rất khó khăn vì số tiền lớn.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, những ngày qua người dân xã Triệu Độ bức xúc việc chính quyền địa phương đã ưu ái cấp bò giống chính sách cho cán bộ và người thân. Điều đáng nói, năm trong số 10 con bò giống đã bị những người này đem bán cho lò mổ giết thịt trái với quy định mà UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành trước đó.
Theo Quyết định 27/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị về chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 quy định đối tượng áp dụng là các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi heo, trâu, bò, gia cầm, trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp.
Quyết định cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND huyện là phải tuyên truyền, phổ biến chính sách và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, công khai danh sách các đối tượng được hưởng hỗ trợ đến từng xã, thôn; thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình tại địa phương.
UBND xã phải hướng dẫn người dân chăn nuôi bảo đảm vệ sinh phòng dịch, bảo vệ môi trường gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Người dân phải cam kết chăm sóc nuôi dưỡng và khai thác con đực giống ít nhất 24 tháng đối với heo và 48 tháng đối với trâu, bò; trừ trường hợp chết, loại thải hoặc thiên tai, dịch bệnh.