Khu đô thị sáng tạo cần có gì?

Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách TP.HCM năm 2018, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đưa định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông bao gồm ba quận 2, 9 và Thủ Đức nhằm tận dụng những lợi thế về mặt thể chế và kinh tế (khu hành chính-tài chính Thủ Thiêm), khoa học kỹ thuật (Khu Công nghệ cao TP) và nguồn nhân lực chất lượng cao (ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường đại học lân cận).

Tiềm năng của các khu đô thị sáng tạo

TP.HCM mang trong mình một đặc điểm tiên phong một phần vì tinh thần cải cách rộng khắp cả nước và một phần là do “vị trí đắc địa” (nằm ở ngã ba của khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL).

Nhưng quan trọng hơn, đặc tính đổi mới, sáng tạo của TP xuất phát từ tư tưởng cởi mở, sự linh hoạt trong quản lý cũng như khả năng nuôi dưỡng, phát triển các cá nhân và doanh nghiệp tài năng. Cho đến nay và trong tương lai gần, không một TP nào khác ở Việt Nam có thể sánh ngang với sức hút của TP.HCM.

Viện Brooking (Mỹ) trong một nghiên cứu về đô thị sáng tạo đã kết luận rằng đô thị sáng tạo là trọng tâm của các chiều kích tăng trưởng. Nơi đây sẽ hội tụ các ngành nghề khác nhau, hướng tới mục tiêu tăng cường các tương tác đa ngành.

Nhiều nhà phát triển kinh tế nghĩ đến thế giới về mặt ngành nghề (ví dụ như nông nghiệp, hàng không vũ trụ, chăm sóc sức khỏe). Nhưng những nền tảng đổi mới - như công nghệ thông tin, vật liệu mới, robot học - là những công cụ hỗ trợ công nghệ phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp. Là vườn ươm cho các công nghệ nghiên cứu trong tương lai, các khu vực khác nhau của khu đô thị sáng tạo được xác định rõ ràng hơn bởi sự liên kết ngang chứ không phải bởi cách áp đặt từ trên xuống.

Như vậy, các bên liên quan cần phải xây dựng năng lực để kết nối các ngành dường như không liên quan thông qua các nghiên cứu hợp tác, hội thoại và các công nghệ liên ngành.

Một góc quận 2, TP.HCM với tuyến metro số 1 chạy dọc đến quận Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cán bộ, công chc nim nở, tôn trng người dân  mt trong nhng yếu tố then chốt mang lại sự hài lòng cho người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lấy sự hài lòng của dân và DN làm trọng tâm

Tại sao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, khởi nghiệp với các dịch vụ công, dịch vụ đô thị là quan trọng? Sự sáng tạo của đô thị còn nằm ở chỗ sự tương tác của cư dân sống trong đó với những thiết chế quản trị của địa phương và cộng đồng. Những dự án thí điểm theo hướng tăng cường sự tham gia của người dân, các nhà khoa học và các nhà hoạch định kế hoạch vào những kế hoạch phát triển tại địa phương như xây dựng công trình giao thông công cộng, trường học và các khu công nghệ cao…

TS Lê Đặng Trung, Giám đốc Công ty khảo sát độc lập RTA, nói đô thị thông minh được cấu thành bởi các thành phần thông minh bao gồm: Kết nối thông minh, người dân thông minh, chính quyền thông minh, môi trường thông minh, giao thông thông minh, nền kinh tế thông minh, đời sống thông minh và nhiều thành phần khác. Trong đó, người dân, chính quyền và mối quan hệ giữa dân-chính quyền là nền tảng căn bản.

TS Trung chia sẻ thêm, không phải vô cớ mà sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp (trong bài này được gọi chung là người dân) là thước đo quan trọng nhất về chất lượng của hệ thống cung ứng dịch vụ hành chính công. Mối quan hệ giữa người dân và chính quyền là một mối quan hệ đặc biệt, bởi lẽ người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài chính quyền khi cần thực hiện các dịch vụ hành chính công.

Sau ba năm thực hiện chương trình Dân chấm điểm M-Score, các khảo sát của Công ty khảo sát độc lập RTA để người dân chấm điểm dịch vụ hành chính công được cung ứng qua hệ thống văn phòng một cửa, đã chỉ ra các yếu tố như thái độ của cán bộ, công chức niềm nở, tôn trọng người dân; cán bộ hỗ trợ hướng dẫn làm thủ tục; cán bộ có trình độ chuyên môn; cán bộ không vòi vĩnh, gợi ý người dân chi tiền; hồ sơ được giải quyết đúng hạn theo quy định của pháp luật là những yếu tố then chốt mang lại sự hài lòng cho người dân.

Trên phương diện vận hành và quản lý nền kinh tế, sự hài lòng của người dân là biểu hiện của một nền quản trị hiệu quả, mang lại giá trị tối đa cho nền kinh tế. Đằng sau sự hài lòng của người dân chính là chi phí xã hội của quá trình cung ứng dịch vụ công được cắt giảm tối đa, năng suất cung cấp dịch vụ được đảm bảo mức cao nhất, mang lại hiệu suất cao nhất cho nền kinh tế, tạo động lực cho cá nhân và doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào sản xuất, kinh doanh. Chính vì lẽ đó, sự hài lòng của người dân là một trụ cột quan trọng của một đô thị thông minh.

Vận dụng nguồn lực thông minh

Xây dựng một đô thị sáng tạo cần có nhiều chiến lược - những động thái lớn và nhỏ, lâu dài và ngay lập tức. Nó cũng đòi hỏi sự đa dạng của các khoản đầu tư lớn (ví dụ như đường bộ, cáp tốc độ cao, liên doanh và các quỹ vốn khác) và các chiến lược phụ (ví dụ như tái hoạt động các khu bị bỏ quên và khoảng không đang xây dựng).

Trong buổi làm việc với UBND TP về các thách thức đô thị và những chiến lược thích ứng, ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc điều hành Tập đoàn BCG tại Việt Nam, cho rằng TP sẽ tạo ra nhiều nguồn lực hơn phần lớn các khoản đầu tư hiện tại vào cơ sở hạ tầng bằng việc khai thông những tiềm năng của nguồn tài sản công đang còn tiềm ẩn.

Dẫn kinh nghiệm của nhiều TP trên thế giới, hầu hết các đô thị này sẽ có thể tăng hơn gấp đôi nguồn vốn đầu tư của họ thông qua việc sử dụng tài sản thương mại một cách khôn ngoan hơn. Tối ưu hóa giá trị của tài sản công thông qua quản lý tốt hơn có thể tạo ra nguồn vốn lớn thay cho việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế hoặc nợ công. Đây là một nguồn tài chính quan trọng cho các dự án đô thị sáng tạo, đô thị thông minh của TP.

Hội thảo khu đô thị sáng tạo Đông TP.HCM

Ngày mai (12-4), hội thảo “Khu đô thị sáng tạo tại TP.HCM: Thảo luận một lộ trình chiến lược” do ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì tổ chức, cùng phối hợp với Viện KAS, CHLB Đức tại Việt Nam sẽ diễn ra tại TP.HCM.

Hội thảo hướng tới xây dựng một diễn đàn chính sách đầu tiên giữa các nhóm liên quan khác nhau cùng thảo luận những phác thảo đầu tiên của mô hình khu đô thị sáng tạo phía Đông.

Các bên bao gồm nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách cấp TP-địa phương, nghiên cứu thực tiễn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự kết nối này tạo tiền đề để thu hút và kết nối các nguồn lực xã hội để thực hiện những bước nghiên cứu, quy hoạch và triển khai tổ chức cũng như kêu gọi sự tham gia của xã hội, cộng đồng (trước mắt là cộng đồng địa phương) quan tâm và đồng hành cùng dự án này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm