Lý do cả Hàn Quốc nổi giận chỉ vì một chai nước

Bê bối của nữ thừa kế hãng hàng không Korean Airlines (KAL) Cho Hyun-min (35 tuổi, còn được gọi là Emily Cho), con gái út của nhà tài phiệt Cho Yang-ho, đang là câu chuyện nóng hàng đầu trên truyền thông Hàn Quốc gần một tuần qua.

Bê bối của nữ thừa kế

Mọi rắc rối bắt đầu từ ngày 12-4, khi hàng loạt hãng truyền thông Hàn Quốc đăng tải thông tin cô Cho ném chai nước vào người một lãnh đạo công ty quảng cáo thuộc KAL giữa một buổi họp. Vài ngày sau, trang tin OhmyNews công bố thêm một đoạn băng ghi âm, cung cấp bởi một nguồn giấu tên, tố cáo cô Cho chửi bới thậm tệ một nhân viên thuộc KAL. Giọng nói trong đoạn băng được cho là giọng của Emily. Người cung cấp đoạn băng này khẳng định nữ phó chủ tịch KAL thường xuyên miệt thị nhân viên, kể cả những người lớn tuổi hơn cô rất nhiều.

Dư luận Hàn Quốc phẫn nộ cho rằng Cho lạm dụng quyền lực, khinh miệt những người yếu thế và đòi cô phải trả giá. Cảnh sát Seoul đã phải vào cuộc, mời Emily Cho đến thẩm vấn và cấm cô xuất cảnh để phục vụ điều tra. “Công chúa” của hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc đã bị đình chỉ chức vụ phó chủ tịch KAL và các chức vụ khác trong Tập đoàn Hanjin của cha mình. Cảnh sát cho biết một số nhân viên có mặt tại buổi họp nói trên đã làm chứng về hành động ném chai nước của Emily Cho nhưng chưa rõ liệu cô đã cố tình nhắm vào cấp dưới, theo Korean Herald. Nếu các cáo buộc là chính xác, Cho có thể bị truy tố tội danh hành hung người khác.

Dù nữ thừa kế KAL đã hai lần công khai xin lỗi về vụ việc, dư luận Hàn Quốc vẫn không nguôi phẫn nộ. Trên cổng thông tin Văn phòng Tổng thống Moon Jae-in, đã có hơn 70.000 người ký đơn thỉnh nguyện đòi KAL bỏ từ “Korean” ra khỏi thương hiệu vì hành động của cô Cho làm xấu hình ảnh đất nước. Ba công đoàn của hãng hàng không cũng đã ra một thông cáo chung đòi nữ phó chủ tịch phải từ chức để giữ gìn uy tín toàn thể nhân viên và hãng hàng không.

Cô Cho Hyun-ah họp báo, công khai xin lỗi vì cách ứng xử không đúng mực trong vụ bê bối hàng không năm 2014. Ảnh: AP

Cho Hyun-min, con gái thứ hai của Chủ tịch KAL Cho Yang-ho, cũng dính một vụ bê bối khinh miệt cấp dưới giống người chị. Ảnh: KOREA HERALD

“Hạt mắc ca nổi đóa”

Truyền thông Hàn Quốc đã nhanh chóng đặt biệt hiệu cho vụ bê bối của Cho Hyun-min là “Chai nước nổi đóa”, một cách nhại lại vụ lùm xùm “Hạt mắc ca nổi đóa” của cô chị cả Cho Hyun-ah (còn được gọi là Heather Cho) bốn năm trước.

Đầu tháng 12-2014, Heather Cho, khi đó giữ chức vụ giám đốc điều hành KAL, ngồi tại khoang hạng nhất trên chuyến bay KE086 đi từ sân bay quốc tế John F. Kennedy, TP New York về sân bay quốc tế Incheon tại Hàn Quốc. Cơn giận dữ của Heather bùng phát khi được phục vụ hạt mắc ca sai cách. Là người lãnh đạo bộ phận giám sát chất lượng phục vụ trên các chuyến bay của KAL, Heather nổi đóa lên khi nữ tiếp viên hàng không mời cô dùng hạt mắc ca được chứa trong túi giấy còn đóng, chứ không phải bằng bát gốm sang trọng theo đúng chuẩn. Heather Cho bắt trưởng nhóm tiếp viên phải quỳ xuống để chất vấn, sau đó yêu cầu quay trở về New York để đuổi ông khỏi máy bay, theo The Guardian. Vụ việc khiến dư luận Hàn Quốc nổi sóng vì cách cư xử thiếu tôn trọng thuộc cấp và lạm dụng quyền hành. Tập đoàn Hanjin và KAL sau đó đã cho chấm dứt mọi chức vụ của cô này. Heather bị cáo buộc vi phạm an toàn hàng không và bị kết án một năm tù giam. Ông Cho Yang-ho thậm chí phải công khai xin lỗi người dân Hàn Quốc về hành động của con gái. Trước truyền thông, ông cúi đầu bày tỏ sự hối hận đã không dạy dỗ các con của mình tốt hơn. Cả ba người con của ông Cho Yang-ho đều dính phải những rắc rối liên quan đến cách ứng xử thiếu tôn trọng với người khác. Người anh của Emily Cho là Cho Won-tae vào năm 2005 cũng bị cáo buộc hành hung một bà lão 77 tuổi giữa phố sau khi bị la rầy về cách lái xe nguy hiểm.

Những đứa trẻ của chaebol

Việc con cháu lãnh đạo các tập đoàn miệt thị hay hành hung người khác đã nhiều lần xảy ra tại Hàn Quốc. Hồi tháng 9-2017, Kim Dong-seon, con trai thứ ba của Chủ tịch Tập đoàn Hanwha Kim Seung-youn, trong lúc say xỉn đã chửi bới rồi hành hung một nhóm luật sư ở một buổi tiệc tối. Bê bối của Emily Cho một lần nữa phản ánh vấn đề đau đáu nhất của xã hội Hàn Quốc suốt nhiều thập niên qua: Sức ảnh hưởng khổng lồ và kiểu hành xử không sợ trời, chẳng sợ đất của một nhóm nhỏ chaebol - những gia đình siêu giàu, làm chủ những siêu tập đoàn đang là trụ cột nền kinh tế Hàn Quốc. Một báo cáo cho biết tổng doanh số của tốp 10 chaebol là gần bằng 80% GDP năm 2011 của Hàn Quốc, tờ Foreign Policy cho biết.

Những người như Heather và Emily Cho giờ đây được gọi là “chaebol thế hệ thứ ba” - những “hoàng tử” và “công chúa” của các gia tộc siêu giàu, từ khi sinh ra đã được hưởng sự giáo dục đắt đỏ nhất ở nước ngoài và được định sẵn những vị trí lãnh đạo trong các tập đoàn của cha mẹ mình, chuyên gia về Hàn Quốc Jamie Doucette, ĐH Manchester, nhận định. Heather Cho dù trải qua sóng gió “Hạt mắc ca nổi đóa” hồi đầu năm 2018 vẫn được khôi phục chức vụ trong Tập đoàn KAL, bất chấp thái độ bất bình của dư luận. Trong bài xã luận về vụ việc của Emily Cho tuần qua, tờ Korea Herald nhận định: “Những đứa trẻ hay gây rối của các lãnh đạo chaebol thường cho rằng họ đặc biệt chỉ vì được sinh ra trong một gia đình siêu giàu kiểm soát các tập đoàn, rằng họ có thể khinh thường những người kém may mắn hơn họ… Dù cho nhân cách và khả năng quản lý của họ không trên mức trung bình, họ vẫn dễ dàng được thăng tiến và nắm quyền kiểm soát kinh doanh. Khó trách đại đa số người trẻ không được sinh ra trong nhung lụa phẫn nộ khi thấy những người yếu thế hơn bị ức hiếp”.

Dù vậy, những tranh cãi về sức ảnh hưởng của chaebol còn lâu nữa mới có hồi kết. Mỗi khi những tập đoàn khổng lồ đăng tuyển nhân sự, hàng trăm ngàn đơn xin dự tuyển vẫn nộp đến. Được nhận vào làm việc ở Samsung là một vinh dự lớn đến mức xuất hiện cả một dịch vụ chỉ dành riêng cho việc đào tạo các thí sinh Hàn Quốc vượt qua bài thi kiểm tra của Samsung. Người Hàn Quốc vẫn sống trong những tòa nhà được xây bởi các chaebol, mặc quần áo được sản xuất và nhập khẩu bởi các chaebol, mua sắm và ăn uống tại những cửa hàng được quản lý bởi chaebol. Thậm chí những thông tin về đời tư, về chuyện tình cảm của giới siêu giàu trên báo chí, phim ảnh cũng trở thành một phần quen thuộc cho đời sống tinh thần của xã hội Hàn Quốc. Nói cho cùng thì dù người dân Hàn Quốc có ghét giới siêu giàu đến đâu chăng nữa, cuộc sống của họ vẫn đang xoay quanh những chaebol.

Rối loạn hành vi bột phát

Trả lời tờ Korean Herald, một quan chức tại Cơ quan Giám sát và đánh giá bảo hiểm sức khỏe (HIRA) của Hàn Quốc cho biết số người dân tại nước này cần được chữa trị rối loạn hành vi bột phát đã tăng dần trong ba năm qua. Có 5.390 người liên hệ chữa trị trong năm 2015. Đến năm 2016 và 2017, con số này đều nằm trên 5.900 người. Khi giận dữ, những người này mất khả năng cảm thông và không kiểm soát được cảm xúc. Những người mắc hội chứng này thường cảm thấy đỡ bất an và hài lòng hơn sau khi bùng phát hành vi bạo lực, do vậy khó cảm thấy hối hận hay tội lỗi trước hậu quả hành động của mình.

Ở Hàn Quốc, số nam giới gặp các vấn đề tâm lý liên quan đến nóng giận áp đảo nữ giới với 83,9% số người cần điều trị trong năm 2017. Những người trẻ cũng dễ rơi vào tình trạng này với 29% người bệnh 20-29 tuổi và 20% bệnh nhân 30-39 tuổi, theo báo cáo của HIRA. Một người bị rối loạn hành vi có thể vì lý do: căng thẳng, nghiện rượu, sa sút trí tuệ (dementia), các bệnh liên quan đến mạch máu não hoặc bị rối loạn nhân cách. Bộ Y tế Hàn Quốc đã nhấn mạnh tính cần thiết trong nâng cao nhận thức về rối loạn hành vi, theo Korean Herald.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm