Ngày 20-4, sau nửa tháng được ghép các bộ phận gồm tim, hai giác mạc, hai quả thận từ bệnh nhân bị tai nạn giao thông chết não ở Đồng Nai, năm người đang dần hồi phục.
Ba đã kịp làm việc tốt
Không kìm được sự xúc động, chị Đan Quỳnh, con của người mẹ được ghép tim ở Phan Thiết (Bình Thuận), chia sẻ: “Em không nghĩ là mẹ sẽ được ghép tim vì tìm được trái tim trùng khớp rất khó. Mẹ con em có hứa sau này khỏe lại sẽ đi làm tích cóp, giúp đỡ lại những người khó khăn để không phụ lòng những người đã cho tim để được sống”.
Nụ cười trở lại trên môi bệnh nhân ghép tim. Ảnh: BV
Khi biết được điều này, cô gái NTN, (21 tuổi) đang du học ở Nhật, có lẽ cũng mãn nguyện khi trái tim của người cha cô hằng thương quý đang đập trong lồng ngực của một người khác chứ chưa hóa thành tro bụi.
N. hay tin cha mình, ông H. bị tai nạn nguy kịch, rơi vào hôn mê khi đang ở xứ người và vội mua vé máy bay để về kịp nhìn cha lần cuối. Do thời gian về nước được rất ngắn nên N. chỉ muốn về lo chôn cất cho cha, sợ thủ tục hiến tạng rườm rà, kéo dài thời gian nên ban đầu N. đã khước từ hiến tạng của cha. Nhưng sau đó, được các bác sĩ, người nhà giải thích, động viên, N. đã đồng ý cho đi phần thân thể của cha.
BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của BV Chợ Rẫy thăm hỏi, động viên gia đình đã hiến tặng phần quà quý giá giúp hồi sinh nhiều cuộc đời bệnh nhân. Ảnh: HL
“Sinh thời, ba em vẫn hay nói với mẹ là khi chết đi sẽ hiến tạng cho y học. Mẹ đùa rằng mẹ sẽ chết trước ba và sẽ hiến trước rồi mới đến lượt ba. Thế mà ba ra đi trước rồi”, N. nghẹn ngào.
N. chia sẻ khi bình tâm lại nhìn mọi việc đã qua cảm thấy đó là lựa chọn sáng suốt vì suýt chút nữa vì suy nghĩ ích kỷ của mình, nhiều cuộc đời đã không được hồi sinh.
“Giờ thì em biết trái tim ba vẫn còn đập, mắt ba vẫn còn nhìn thấy ở đâu đó trên đất nước Việt Nam. Ba không may ra đi nhưng ba đã kịp làm việc tốt giúp người khác. Điều đó khiến em và gia đình rất vui và an ủi phần nào”- N. chia sẻ.
Cảnh sát giao thông hộ tống tim, thận về TP.HCM
Nhớ lại tình huống lần đầu tiên xảy ra ở BV Đa khoa Đồng Nai, BS Ngô Đức Tuấn, Giám đốc bệnh viện, kể: Khuya 4-4-2018, bệnh viện tiếp nhận anh NVH (43 tuổi) bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não khá nặng từ BV huyện Long Thành chuyển lên. Sáng hôm sau, bệnh viện được báo người nhà có tâm nguyện muốn hiến tạng.
“Suy nghĩ đầu tiên của tôi là rất khâm phục nghĩa cử của anh H. nên muốn làm tất cả để đáp lại nghĩa cử này. Tôi đề nghị bộ phận kế hoạch tổng hợp liên lạc ngay trung tâm hiến tạng ở BV Chợ Rẫy và huy động các khoa xét nghiệm hồi sức tập trung cấp cứu cho bệnh nhân trong thời gian chờ BV Chợ Rẫy tới”, BS Tuấn kể.
Ngoài ra, bệnh viện cũng tức tốc liên hệ với lực lượng công an giao thông Đồng Nai để vận chuyển tạng về TP.HCM nhanh nhất. Hai đoàn xe với sự dẫn đường của mô tô đặc chủng của cảnh sát giao thông Đồng Nai chở lần lượt tim và thận đã về BV Chợ Rẫy với thời gian kỷ lục 30 phút.
BS Ngô Đức Tuấn, Giám đốc BV Đa khoa Đồng Nai, chia sẻ về ca hiến tạng lần đầu tiên thực hiện tại bệnh viện. Ảnh: HL
Nhờ sự phối hợp hồi sức với các bác sĩ BV Chợ Rẫy, phần tặng quý giá của anh H. đã được đem về BV Chợ Rẫy an toàn, kịp thời trong đêm 5-4 ghép cho 5 bệnh nhân.
BS Tuấn cho biết bệnh viện thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận những thắc mắc muốn hiến tạng ở Đồng Nai thì hiến ở đâu nên mong muốn thành lập đơn vị hiến tạng ở bệnh viện để phối hợp kịp thời với BV Chợ Rẫy giúp đỡ bệnh nhân kéo dài sự sống.
BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy, nhận định việc ghép tạng sẽ không thực hiện được nếu không có người hiến hoặc có người hiến nhưng không tổ chức được việc nhận tạng. BV Chợ Rẫy đã từng bỏ lỡ nhiều phần tạng quý giá do điều kiện hồi sức ở các nơi còn hạn chế, khi đến nơi thì tạng đã không còn đáp ứng điều kiện được hiến.
Ở các bệnh viện lớn của các nước phát triển đều có đơn vị điều phối tạng nằm ở bộ phận hồi sức tích cực, phát hiện người có tiềm năng hiến tạng sẽ báo trung tâm điều phối quốc gia để cử người đến hỗ trợ. BS Thu mong muốn trong tương lai, các bệnh viện ở khắp nơi trên cả nước cũng có hệ thống hồi sức được đào tạo, chuyển giao tốt, đáp ứng bảo quản nguồn tạng hiến tốt nhất, tiết kiệm thời gian, công sức.