Ngày 1-2, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Võ Thị Hồng Phúc (thường gọi là Ốc, 33 tuổi, ngụ xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phúc được cho tại ngoại phục vụ điều tra do đang nuôi con nhỏ.
Lợi dụng hoạt động thiện nguyện để vay mượn
Sau khi công bố quyết định khởi tố, khám xét chỗ ở của Phúc, công an thu giữ nhiều tài liệu thể hiện Phúc vay mượn tiền, lừa đảo, góp huê hụi của nhiều người với số tiền hàng trăm tỉ đồng.
Cụ thể, tháng 12-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng xác định Võ Thị Hồng Phúc và Võ Thị Thùy Tiên (30 tuổi, ngụ xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) đã lừa của bà Thái Thị Thanh Phúc (66 tuổi, ngụ phường 3, TP Đà Lạt) 6,81 tỉ đồng.
Võ Thị Hồng Phúc bị khởi tố. Ảnh: CA |
Ngoài nạn nhân nói trên, Võ Thị Hồng Phúc còn dùng các thủ đoạn như đáo hạn ngân hàng, mua bán bất động sản và góp huê, hụi để chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của nhiều nạn nhân khác.
Trong đơn tố cáo gửi cơ quan công an, nhiều nạn nhân của Phúc cho biết, từ năm 2018, thông qua lời giới thiệu của bà Lê Thị Thuận (ngụ xã Ka Đơn) Phúc đã tìm cách tiếp cận nhóm thiện nguyện Ka Đô. Để các thành viên trong nhóm tin tưởng, Phúc đã tham gia vào các buổi từ thiện của nhóm và có góp tiền nhằm xây dựng lòng tin với mọi người.
Hàng chục nạn nhân bị Phúc lừa hàng trăm tỉ đồng. Ảnh: VT |
Khi đã có được sự tin tưởng của các thành viên trong nhóm, Phúc chủ động nhắn tin cũng như gặp riêng từng người trong nhóm thiện nguyện để mượn tiền với nhiều lý do được viện ra như đáo hạn ngân hàng, cùng hợp tác buôn bán bất động sản.
Bà Lê Thị Đào (57 tuổi, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương) cho biết, từ tháng 9-2018, bà Phúc cùng chồng là Nguyễn Ngọc Quang mượn của bà Đào số tiền 700 triệu.
Tiếp đó, đến tháng 11-2018 bà Phúc mượn tiếp 1 tỉ đồng nữa và hứa sẽ thanh toán trong tháng. Nghĩ chỗ quen biết lại thấy Phúc có tâm làm từ thiện, bà Đào cho Phúc mượn mà không hề tính lãi. Nhưng khi tới hẹn trả nợ, Phúc hẹn hết lần này đến lần khác. Sau đó thì không còn liên lạc được với Phúc được nữa.
Nhận thấy vợ chồng Phúc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bà Đào đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ để lấy lại số tiền trên. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 3 năm, bà Đào vẫn chưa lấy lại được số tiền trót cho “bạn từ thiện" mượn khiến cả gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần.
Cũng bị Phúc lợi dụng, bà P ngụ huyện Đơn Dương cho biết, cũng qua nhóm từ thiện, Phúc nhiều lần nhắn tin riêng hỏi mượn người này 1 tỉ và tiếp tục lấy lý do đáo hạn ngân hàng, hứa sẽ trả lãi cao hơn ngân hàng trong thời gian 1 tháng.
Vì muốn giúp đỡ Phúc, tháng 10-2018 gia đình bà P mang sổ nhà đất đi vay ngân hàng 1 tỉ về đưa cho vợ chồng Phúc. Sau hơn 3 tháng liên tục gọi điện thì Phúc xin thêm thời gian để trả nợ và vay thêm 300 triệu nữa. Sau khi nghe tin Phúc báo vỡ nợ không có khả năng chi trả, chồng bà P hoảng loạn dẫn đến trầm cảm trong thời gian dài, lúc nào cũng lo nghĩ tới việc ngân hàng tới siết nhà cửa, đất đai của gia đình.
Nạn nhân P cho biết thêm gia đình nhiều lần đưa chồng bà đi bệnh viện chữa trị trong thời gian dài nhưng bệnh tình càng thêm trầm trọng. Chồng bà do không chịu đựng được áp lực về khoản vay ngân hàng, trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến cái chết và đã tự tử không lâu sau đó.
Đẩy cả người thân rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn
Xác minh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng cho thấy Võ Thị Hồng Phúc có hàng loạt giao dịch vay mượn tiền với nhiều cá nhân trên địa bàn TP Đà Lạt, các huyện Đơn Dương và Đức Trọng. Đã có nhiều giao dịch cơ quan công an phát hiện có dấu hiệu tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cũng theo đơn tố cáo gửi công an, có rất nhiều nạn nhân chính là người thân của Phúc bị người phụ nữ này đẩy vào cảnh túng quẫn, nợ nần và mất nhà cửa.
Cụ thể, ông Phùng Trung Hoà (55 tuổi, ngụ TP Đà Lạt là cậu ruột của Phúc) cho biết, năm 2015, nại ra lý do cần tiền để đầu tư làm ăn, Phúc cùng mẹ (là chị gái của ông Hoà) đến nhà vay của ông Hoà 500 triệu.
Đến 6-2016, Phúc tiếp tục lấy lý do cần tiền làm ăn nên năn nỉ ông Hoà cho mượn quyển sổ hồng căn nhà đang ở để vay 1,1 tỉ.
Tin lời người thân, ông Hoà đã vay ngân hàng số tiền nói trên đưa cho Phúc. Đến 2017, Phúc tiếp tục lấy lý do đáo hạn ngân hàng nên nhờ ông Hoà ra ngân hàng ký để vay tiếp nhưng ông Hoà không đồng ý.
Đến năm 2018, Phúc đến nhà ông Hoà đòi tự tử nếu ông Hoà không ký cho Phúc để vay tiền ngân hàng. Quá tin tưởng người thân, ông Hoà tiếp tục ký cho Phúc vay 1,1 tỉ. Từ đó đến 2020, Phúc không trả cho ngân hàng. Trước áp lực bị xiết nợ, ông Hoà buộc phải bán căn nhà nói trên để trả nợ cho ngân hàng.
Tương tự ông Hoà là trường hợp của bà Phùng Thị Phương Thu (SN 50 tuổi, ngụ TP Đà Lạt) là Dì ruột của Phúc.
Năm 2016, cũng tin lời ngon ngọt của cháu gái, bà Thu đã thế chấp căn nhà ở TP Đà Lạt cho Phúc vay 650 triệu đồng.
Đến năm 2019, Phúc tiếp tục lừa bà Thu cho mượn quyển sổ đỏ để đáo hạn ngân hàng nhưng lại nhờ một người dì ruột khác mạo danh bà Thu viết giấy bán căn nhà của bà Thu cho người khác.