10 tháng tới - thời gian quyết định của khu vực với Trung Quốc

Thế giới đang lao đao vì đại dịch COVID-19. Mỹ đang hỗn loạn vì đại dịch và xung đột sắc tộc, chưa kể còn bận rộn chuẩn bị bầu cử tổng thống. Trong khi đó, Trung Quốc (TQ) ngày càng lộ rõ tham vọng không kiểm soát về nhiều vấn đề.

Với bối cảnh này, 10 tháng tới đây sẽ là thời gian khó khăn nhất với cả phương Tây lẫn phương Đông với TQ, kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, trang tin news.com.au dẫn cảnh báo của nhà phân tích chiến lược hàng đầu Úc Peter Jennings.

Khu vực tiến nhanh tới nguy cơ khủng hoảng

Ông Jennings là giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chiến lược Úc. Hồi tháng 4, ông Jennings từng cảnh báo khu vực đang tiến rất nhanh tới nguy cơ khủng hoảng vì các diễn biến địa chính trị diễn ra dồn dập. Tới thời điểm này ông Jennings nói lời cảnh báo của ông đã tăng cấp độ.

Nói với news.com.au tuần này, ông Jennings đánh giá kể từ thời điểm tháng 4, TQ tăng rất đáng kể áp lực lên nhiều vấn đề ở khu vực. Chẳng hạn TQ tăng áp lực về quân sự lẫn về phát ngôn với Đài Loan. Hàng loạt cuộc tập trận quanh Đài Loan những tuần gần đây một lần nữa gây nên lo ngại về nguy cơ lãnh thổ này sẽ bị phong tỏa quân sự. Chẳng những tăng hoạt động quân sự mà thời gian qua TQ cũng đẩy mạnh hơn chiến dịch tuyên truyền nhằm cô lập Đài Loan và khẳng định ưu thế hàng đầu về chính trị ở khu vực.

TQ thời gian qua cũng có nhiều động thái thể hiện rõ tham vọng bành trướng biên giới ở Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như ở dãy Himalaya. Ông Jennings cho rằng cách hành xử cưỡng ép của TQ ngày càng gia tăng và đã chuyển thành hình thức ngoại giao con tin.

Trước các động thái hung hăng của TQ, theo ông Jennings, “chúng ta đã nhìn thấy sự can thiệp của Mỹ với những lời lẽ mạnh mẽ từ ông Pompeo (Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - PV) nhằm cảnh cáo chủ nghĩa phiêu lưu của TQ”.

Mỹ thời gian qua cũng đã có nhiều động thái đáp trả TQ ở nhiều mặt trận. Mỹ đưa hai nhóm tác chiến tàu sân bay đến tập trận ở Biển Đông nhằm cảnh cáo các động thái leo thang của TQ ở vùng biển này. Mỹ đưa phái đoàn với sự dẫn đầu của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ dân sinh Alex Azar đến Đài Loan. Mỹ trừng phạt một loạt quan chức cấp cao Hong Kong và TQ liên quan vụ Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia lên đặc khu này…

Tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu tuần dương USS Antiedam của Mỹ (giữa và giữa phải) trong một cuộc tập trận ba bên với các tàu chiến Úc (trái) và tàu chiến Nhật (phải). Ảnh: US NAVY

Thời điểm nguy hiểm nhất

Tuy nhiên, những gì Mỹ đã làm không đủ sức thuyết phục ông Jennings tin tưởng vào một tương lai ổn định. Điều làm ông Jennings mất lòng tin là vì hệ thống giải quyết bất đồng dựa vào luật lệ do thế giới ban hành và được Liên Hợp Quốc quản lý chủ yếu đã bị xói mòn nghiêm trọng. Trong khi đó, sự đồng lòng của cộng đồng thế giới lại không còn như trước nữa mà chuyển thành hành động đơn phương. Dù Mỹ gần đây có nhiều hoạt động tích cực hơn ở khu vực nhưng ông Jennings vẫn nhận xét Mỹ ngày càng có thái độ tự cô lập và điều này đặt ra các câu hỏi về sự sẵn sàng của Mỹ trong hành động như một cán cân quyền lực ở khu vực.

Kinh tế toàn cầu có thể đang trong kỳ nghỉ đông nhưng các vấn đề địa chính trị lại diễn ra dồn dập và đang tiến rất nhanh tới nguy cơ khủng hoảng.

Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chiến lược Úc PETER JENNINGS 

Chính phủ Úc thừa nhận những thực tế trên đã phá vỡ trật tự thế giới dựa trên luật pháp đã được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi thông báo bản Chiến lược quốc phòng cập nhật 2020 hồi tháng trước, Thủ tướng Úc Scott Morrison cảnh báo tương lai khu vực sẽ “nghèo nàn hơn, nguy hiểm hơn và hỗn loạn hơn”. Bản đánh giá này nói Úc có thể sẽ điều chỉnh quy trình lập chính sách quốc phòng, không còn mặc định lập dựa trên giả định một cuộc xung đột sẽ xảy tới trong 10 năm nữa.

Tuy nhiên, với ông Jennings thì khoảng thời gian 10 năm như Úc vẫn giả định giờ chỉ còn 10 tháng. Ông dự đoán sẽ có một cuộc khủng hoảng lớn giữa kỳ bầu cử tổng thống Mỹ (tháng 11 năm nay) và đợt kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7 năm tới.

Theo ông Jennings, Chủ tịch Tập Cận Bình và TQ đã có một lịch sử lâu dài là luôn tìm cách đẩy giới hạn chịu đựng của các nước khác - chẳng hạn với việc cải tạo trái phép các đảo, đá ở Biển Đông - để dò xem các nước phản ứng thế nào và mình sẽ thu lại được gì. Vì vậy, ông Jennings cho rằng thách thức với Mỹ, Úc và các đồng minh, đối tác khác là đảm bảo ông Tập không đánh giá thấp rủi ro.

Úc cũng có thể góp sức. Theo ông Jennings, Thủ tướng Morrison cần nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump, với lãnh đạo các nước Anh, Nhật, Indonesia và các lãnh đạo khác để thống nhất sự hợp tác chống lại chủ nghĩa cơ hội của TQ.

Trên báo South China Morning Post ngày 14-9, GS Lanxin Xiang về lịch sử và chính trị quốc tế tại Viện Nghiên cứu quốc tế và phát triển (Thụy Sĩ) nhận định quan hệ Mỹ - Trung đang rơi nhanh không lực cản. Ông Xiang cho rằng việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi cuối tháng 7 kêu gọi 1,4 tỉ dân TQ nỗ lực cùng cộng đồng thế giới nhằm “thay đổi thái độ” của chính phủ Bắc Kinh có thể xem như đã vô hiệu hóa khung tuyên bố chung giúp duy trì sự ổn định giữa hai nước.

Khung tuyên bố chung bảo vệ sự ổn định của quan hệ Mỹ - Trung trong gần 50 năm qua bao gồm ba tài liệu: Thông cáo chung Thượng Hải 1972 - khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước; Tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979; và Tuyên bố ngày 17-8-1982 với cam kết hợp tác hai bên về giáo dục, công nghệ, khoa học và Mỹ sẽ dần dần giảm bán vũ khí cho Đài Loan. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm