Chương trình bảo vệ rùa biển tại Côn Đảo là hoạt động thường niên do Vườn Quốc gia Côn Đảo phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN) tổ chức, mang thông điệp lan tỏa cộng đồng về hoạt động bảo vệ rùa biển tại Việt Nam.
Đây được xem là hoạt động mang lại những trải nghiệm vô giá đối với các bạn tình nguyện viên tham gia.
Các tình nguyện viên tham gia chương trình phải đăng ký từ trước đó. Sau khi chọn lọc, xem xét các yếu tố đánh giá sự phù hợp, ban tổ chức sẽ thông báo kết quả trong khoảng hai tháng trước ngày khởi hành.
Chương trình năm nay gồm bảy đợt, phân bố từ tháng 6 đến tháng 8. Mỗi đợt kéo dài 12 ngày, tối đa 22 tình nguyện viên được chọn cho mỗi đợt.
Chi phí đi lại, ăn ở trong ngày thứ nhất tại đảo lớn Côn Đảo, tình nguyện viên tự chi trả. Sau đó, khi ra đến các đảo nhỏ, các tình nguyện viên cùng góp tiền để mua đồ ăn, vật dụng sinh hoạt thiết yếu cho những ngày sống trên đảo.
Tình nguyện viên tham gia chương trình được chia thành các nhóm, phân công làm việc tại các đảo nhỏ hoặc bãi biển khác nhau thuộc quần đảo Côn Đảo. Tất cả các bãi đều được bố trí trạm kiểm lâm làm nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn rùa biển.
Trong đó, hòn Bảy Cạnh luôn là địa điểm hấp dẫn nhất vì có số lượng rùa lên đẻ nhiều nhất, đặc biệt là vào mùa cao điểm từ tháng 7 đến tháng 9. Tại đây, mỗi đêm có từ 10-30 rùa mẹ, mỗi con nặng từ 70kg trở lên, đến làm tổ.
Ca làm của các tình nguyện viên phụ thuộc vào thủy triều lên, có thể bắt đầu từ 8 giờ tối cho đến sáng sớm hôm sau.
Khi vào ca, các tình nguyện viên nhẹ nhàng bước lên cát, dò theo dấu chân rùa để tìm xác định vị trí rùa mẹ. Sau đó quan sát xem rùa mẹ đang ở giai đoạn nào của quá trình đẻ.
Thông thường, rùa mẹ bò lên bờ tìm chỗ thích hợp, dùng chi để quạt cát xung quanh đến khi mai ngang với mặt cát. Tiếp đó, nó dùng hai chi sau đào lỗ sâu khoảng 50-70 cm, từ từ khép chi lại và rặn đẻ những quả trứng to cỡ quả bóng bàn.
Mỗi lần, rùa mẹ đẻ được 70-200 trứng.
Tình nguyện viên canh rùa đẻ xong sẽ mang trứng về khu vực ấp để bảo vệ chúng khỏi những loài vật khác đến ăn trứng hoặc tránh có người cố tình đào trứng lên để đem bán.
Hố ấp trứng rùa biển được chia thành hai khu có hoặc không có mái che nhằm cân bằng tỉ lệ rùa đực, cái. Giới tính của rùa con bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, nhiệt độ càng cao thì càng nhiều con cái sinh ra và ngược lại.
Bên cạnh công việc theo dõi rùa mẹ và di chuyển trứng, nhóm tình nguyện viên cũng đảm nhiệm việc dọn vệ sinh tại các hố rùa đẻ, hướng dẫn du khách thả rùa con về biển, kiểm tra và thu thập rùa con nở từ các đợt trước đó, ghi nhận tỉ lệ trứng nở…
Sau 45-60 ngày được ấp dưới mặt đất, rùa con nở ra, được thả về với biển, thực hiện những bước đi đầu tiên trong hành trình sinh tồn của mình.
Và rồi 20-30 năm sau, theo nghiên cứu của IUCN, những con rùa cái - nếu còn sống - sẽ quay trở lại nơi chúng được sinh ra dù đã đi xa, sinh sống cách đó hàng nghìn km, để đẻ trứng, giống như điều mẹ chúng từng làm.
Từ năm 2014, IUCN khởi xướng chương trình tình nguyện bảo tồn rùa biển với sự hợp tác của Vườn Quốc gia Côn Đảo. Trong 10 năm qua, IUCN đã nhận được hàng chục nghìn đơn đăng ký, ban tổ chức đã xét duyệt cho hơn 500 tình nguyện viên tham gia.
Chương trình đã góp phần thu hút, phát triển du lịch tại Côn Đảo, nâng cao nhận thức về bảo vệ rùa biển cho du khách.