2 năm nữa sẽ khai thác du lịch toàn tuyến sông Sài Gòn

(PLO)- Sở Du lịch TP.HCM đang xây dựng các sản phẩm du lịch tầm ngắn, tầm trung và tầm xa để phát triển du lịch đường thủy.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023-2025. Theo đó, TP đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ khai thác du lịch đường thủy trên tất cả tuyến sông Sài Gòn liên kết với Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô. Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu (ảnh) đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM xung quanh kế hoạch này.

500.000 lượt khách và 300 tỉ đồng/năm

. Phóng viên:Theo kế hoạch, năm 2023, 2024 TP sẽ khai thác du lịch trên tất cả tuyến sông Sài Gòn với mục tiêu đạt khoảng 500.000 lượt khách và doanh thu đạt khoảng 300 tỉ đồng/năm. Xin bà cho biết những lợi thế nào để có thể thực hiện được mục tiêu này?

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu. Ảnh THU TRINH
Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu. Ảnh THU TRINH

+ Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu: TP.HCM có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên tự nhiên ven sông khá đa dạng. Nhiều kênh rạch và tuyến sông Sài Gòn trải dài và bao bọc TP, hệ sinh thái rừng ngập mặn. Các di tích ven sông, rạch gắn với sự kiện lịch sử lớn của dân tộc. Đây là những lợi thế để chúng ta gắn các hoạt động và gắn các sản phẩm du lịch đường thủy.

Trong lễ hội sông nước mới đây, chúng tôi công bố 30 tour tuyến du lịch đường thủy hiện có và làm mới lại, đồng thời nâng chất sản phẩm. TP.HCM đang triển khai đề án phát triển kinh tế sông và bờ kè ven sông, đồng thời chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 cũng xác định du lịch đường thủy là sản phẩm đặc trưng.

Do vậy, năm 2023, 2024 TP tập trung khai thác hiệu quả sản phẩm đã được công bố trong lễ hội sông nước. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục xây dựng sản phẩm tầm ngắn và tầm trung. Song song đó sẽ là khai thác, phát triển bến tàu, các khu vực trọng điểm nhằm thu hút sự đầu tư, tham gia của doanh nghiệp (DN) cũng như thu hút nguồn khách đến với du lịch đường thủy.

. Du lịch đường thủy chưa thật sự tạo được sức hút riêng. Vậy cơ sở nào để TP đưa ra mục tiêu hoàn thành mục tiêu hai năm nữa sẽ khai thác trên tất cả tuyến sông Sài Gòn?

+ Trong thời gian qua, UBND TP rất quyết liệt trong việc thúc đẩy các đơn vị hoàn thành việc quy hoạch các bến thủy nội địa và quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho DN khảo sát và đầu tư.

Trước mắt, Sở Du lịch và các quận, huyện có tuyến sông, rạch trên địa bàn sẽ tận dụng các công trình phúc lợi công cộng, các hoạt động, các đường hiện hữu để thiết kế sản phẩm du lịch đường thủy.

Sở làm việc với DN kết nối sản phẩm du lịch từ trên bờ xuống đến tuyến đường thủy tạo chuỗi hoạt động đa sắc màu cũng như hoạt động gắn với văn hóa, thể thao dưới nước để du khách có nhiều sản phẩm trải nghiệm hơn.

Đầu tiên là phát triển du lịch ở các tuyến nội đô với 10 chương trình du lịch đường thủy, khai thác các chương trình kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông. Nghiên cứu kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các điểm dừng chân ven sông gần các điểm du lịch sinh thái, nhà vườn... tạo sức hút đặc biệt.

Chúng ta đang có tuyến du lịch đường thủy rất xa, ví dụ như từ bến Bạch Đằng - Củ Chi cần 2,5 tiếng di chuyển đường thủy. Tuy nhiên, trên dọc tuyến đó thiếu điểm dừng chân tạo sức hút cho du khách, vì vậy cần tạo nên điểm nhấn tại các khu vực này để du khách chi tiêu, tăng nguồn thu từ du lịch.

Tour chèo sup xuyên rừng Cần Giờ được nhiều người ưa thích. Ảnh: THU TRINH

Tour chèo sup xuyên rừng Cần Giờ được nhiều người ưa thích. Ảnh: THU TRINH

Nhiều sản phẩm du lịch đường thủy đang được xây dựng

. Thưa bà, để đạt được mục tiêu như kế hoạch đã đề ra, ngành du lịch TP cần phải làm gì?

+ Hiện nay có 30 tuyến sản phẩm từ tầm ngắn, tầm trung và tầm xa kết nối liên tỉnh, thậm chí kết nối từ quốc gia khác như từ Campuchia đến TP.HCM và ngược lại. Đây là điều mà chúng tôi trăn trở để tạo thêm nhiều sản phẩm tốt hơn và khai thác hiệu quả hơn nữa.

Sở Du lịch sẽ tham mưu TP ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy đã ban hành. Sở triển khai kế hoạch phát triển giai đoạn này, phối hợp với sở, ban ngành các địa phương thực hiện nội dung của kế hoạch. Cùng với đó, phối hợp với các tỉnh trong khu vực và kết hợp phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá phục vụ du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch mới cũng là những giải pháp mà chúng tôi đang đẩy mạnh.

Cuối cùng là triển khai kêu gọi DN kinh doanh vận tải hành khách đường thủy đưa phương tiện vào khai thác tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, như từ TP.HCM ra Côn Đảo và ngược lại. Sở Du lịch xây dựng sản phẩm du lịch mới, điểm đến hấp dẫn hơn trên các tour tuyến dọc theo sông Sài Gòn, phù hợp để thu hút nguồn khách.

. Trong kế hoạch sắp tới, sở sẽ tham mưu TP triển khai ngay những vấn đề nào để tạo sức hấp dẫn cho ngành du lịch đường thủy?

+ Nghiên cứu bến Bạch Đằng thành bến trung tâm, làm điểm đi và đến của các tuyến du lịch đường thủy kết hợp với Công viên Bạch Đằng; xây dựng chương trình ánh sáng nghệ thuật về đêm với các tiết mục trình diễn ánh sáng kết hợp nhạc nước trên sông Sài Gòn.

Đầu tư du thuyền cao cấp, tàu nhà hàng tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao với đầy đủ dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí; phát triển thêm loại hình tàu nghỉ qua đêm trải nghiệm trên sông Sài Gòn…

Hình thành những sản phẩm ẩm thực đặc trưng Nam Bộ và các vùng miền kết hợp với những hoạt động của các nhóm nghệ thuật như đờn ca tài tử, sáo trúc… Những thuyền gỗ di chuyển qua các bến trung tâm trên sông Sài Gòn hoặc các kênh Bến Nghé - Tàu Hủ, Tân Hóa - Lò Gốm.

. Xin cảm ơn bà.•

Nhiệm vụ quan trọng trong hai năm tới

Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2024 là cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có như nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn (các tour trên sông, tuyến du lịch đường thủy nội đô có bán kính dưới 10 km).

Tập trung xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy nhằm cung cấp thêm các dữ liệu về lịch sử, văn hóa, nét đặc trưng về các hệ thống sông ngòi, kênh rạch gắn với các tuyến du lịch đường thủy; xây dựng bản đồ các tuyến du lịch đường thủy, các điểm đến trên tuyến bằng công nghệ GIS.

Giai đoạn 2024-2025, ở nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn hình thành tuyến đi quận 7, bổ sung các bến thủy nội địa trên tuyến như bến Cù Lao Nguyễn Kiệu, bến Trường ĐH Tôn Đức Thắng, bến khu dân cư Trung Sơn; nhóm sản phẩm du lịch tầm trung (các tuyến đi TP Thủ Đức); nhóm các sản phẩm du lịch tầm xa có các tuyến đi các địa phương khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm