Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ron Johnson, hai thành viên Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ vừa cho biết chính phủ Nga đã từ chối cấp visa cho họ sang thăm Nga vào tuần tới, hãng Reuters đưa tin.
Reuters cho biết có liên lạc với Đại sứ quán Nga tại Mỹ về việc này nhưng không được bình luận. Tuy nhiên, trên Twitter, Đại sứ quán Nga có viết rằng Nga không thấy các nghị sĩ Johnson gửi hồ sơ xin visa và cũng không thấy thông báo về kế hoạch thăm Nga.
Đại sứ quán Nga cũng nói bản thân nước này lâu nay vẫn kêu gọi Mỹ gỡ bỏ hạn chế đi lại với các nghị sĩ Nga.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy phản ánh Nga từ chối cấp visa cho mình. Ảnh: REUTERS
Trong khi hai nghị sĩ Murphy và Johnson phản ánh Nga từ chối cấp visa cho họ thì một nghị sĩ Cộng hòa khác là Mike Lee vừa được Nga cấp visa và dự kiến sẽ thăm Nga trong thời gian tới, người phát ngôn của ông Lee cho biết.
Không biết chuyện này có liên quan đến việc hai ông Murphy và Johnson được biết đến là những cá nhân rất năng nổ trong việc vận động thông qua trừng phạt Nga hay không.
Nga trước đây cũng đã từng từ chối cấp visa cho các nghị sĩ Mỹ, đặc biệt với những cá nhân chủ trương trừng phạt Nga quanh vấn đề Ukraine và can thiệp bầu cử Mỹ.
Sự việc xảy ra trong bối cảnh đang có bất đồng giữa Nga với Mỹ và các đồng minh của Mỹ quanh sự kiện hội nghị của lại khối các nước công nghiệp phát triển G7 (Anh, Đức, Ý, Pháp, Mỹ, Canada, Nhật) vừa rồi. Nga tham gia G7 năm 1997 và bị khai trừ khỏi khối từ năm 2014 sau khi sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Các lãnh đạo G7 họp tại TP Biarritz (Pháp) cuối tuần rồi. Ảnh: AFP
Tuyên bố chung hội nghị G7 tại Pháp vừa rồi có đề cập vấn đề Ukraine. Theo đó, Pháp và Đức sẽ tổ chức thượng đỉnh bốn bên theo công thức Normandie (Pháp, Đức, Nga, Ukraina) vào tháng 9 tới để giải quyết xung đột. Hội nghị sẽ bàn về 3 vấn đề: Tù nhân, chiến tuyến và tình hình chính trị.
Các lãnh đạo G7 cũng chưa thống nhất khả năng cho Nga quay lại khối, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump có nói chuyện để Nga quay lại G7 lúc này là thích hợp, vì các nước G7 cần hợp tác với Nga trong nhiều vấn đề quan trọng đang diễn ra.
Ông Trump thậm chí không đưa ra bất cứ điều kiện để Nga quay lại, cũng không nhắc gì đến Crimea.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ron Johnson. Ảnh: AP
Đây là lần thứ hai ông Trump đề cập đến chuyện đưa Nga trở lại G7. Hồi tháng 6 năm ngoái ông Trump cũng nói cần thiết phải có Nga trong khối.
Về phần Nga, ngày 22-8, ông Dmitry Peskov - người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rõ chuyện quay lại G7 không phải là mục tiêu của Nga. Ý ông Peskov là nếu muốn thảo luận các vấn đề toàn cầu hiện nay về địa chính trị, an ninh và kinh tế hiệu quả thì phải có Trung Quốc, Ấn Độ, những nước nằm trong khối những nền kinh tế mới nổi G20.
Sau khi Nga ra khỏi G7 năm 2014, Tổng thống Putin cũng nhiều lần nói rằng ông quan tâm nhiều hơn đến khối G20 vốn đa dạng quốc gia và khu vực hơn.