Trong số 29 người được đề cử, sẽ bầu chọn 20 "công dân tiêu biểu" để TP Đà Nẵng biểu dương khen thưởng vào dịp kỷ niệm 20 năm TP trực thuộc trung ương (thời gian tiến hành bình chọn cho 29 người bắt đầu từ ngày 10-11 đến hết ngày 5-12).
Có hai người khá "đặc biệt", đó là hai ngư dân Lê Văn Chiến và Trần Văn Mười can trường trên “mặt trận” đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và bám trụ Hoàng Sa.
Người đạt danh hiệu Công dân Đà Nẵng tiêu biểu được tặng bằng chứng nhận, cúp danh hiệu và bằng khen của chủ tịch UBND TP kèm theo tiền thưởng là 20 triệu đồng.
Xả thân cứu hộ tại Hoàng Sa
Đó là ngư dân Lê Văn Chiến (50 tuổi, quận Thanh Khê). Anh Chiến là ngư dân sản xuất giỏi với 25 năm bám biển, được bầu làm tổ trưởng Tổ khai thác hải sản xa bờ của phường.
Ông Chiến đã mạnh dạn vay vốn đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67 của Chính phủ, mua sắm trang thiết bị, ra khơi bám biển tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng chục lao động trên địa bàn.
Ngư dân Lê Văn Chiến can trường, bám biển chủ quyền Tổ quốc. Ảnh: LÊ PHI
Bên cạnh đó, ngư dân Chiến còn tích cực trong công tác cứu nạn, cứu hộ, giúp đỡ các tàu gặp nạn trong quá trình hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ. Tàu của ngư dân can trường này từng cứu sống 17 thuyền viên tàu ông Phạm My Em ở quận Liên Chiểu, bị nổ bình gas bốc cháy trong khi đang câu mực ở biển Đông.
Năm 2013 kịp thời lai dắt tàu ĐNa 90385 của ông Hồ Tấn Phước ở phường Thanh Khê Đông bị gãy lắp, chết máy ở ngoài khơi, trên tàu có 14 thuyền viên. Cùng các tàu khác đến hỗ trợ tàu ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào ngày 26-5-2014 khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép.
Đặc biệt, ngư dân Chiến còn được đánh giá là tham gia tích cực lực lượng Trung đội dân quân biển của quận Thanh Khê, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao, kiên quyết, kiên trì bám biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Với những đóng góp của mình, ngư dân Chiến từng được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng TP; ba bằng khen của UBND TP Đà Nẵng và nhiều giấy khen khác.
Nhà “khoa học” ngư dân
Cùng vinh dự được đề cử với ngư dân Lê Văn Chiến là ngư dân trẻ Trần Văn Mười (39 tuổi, phường Mân Thái, quận Sơn Trà).
Đây là ngư dân mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, giúp đỡ thanh niên hư sau cải tạo, giải quyết việc làm…
Tàu vỏ thép đầu tiên tại Đà Nẵng được ngư dân Trần Văn Mười đóng theo Nghị định 67 của Chính Phủ. Ảnh: Tấn Tài
Đặc biệt, ngư dân Mười còn là một “nhà khoa học” đã đưa ra những phát kiến ứng dụng vào việc khai thác hải sản trên vùng biển chủ quyền Tổ quốc. Tiêu biểu nhất phải kể đến là sáng kiến làm hầm mực sấy khô dưới tàu, dùng sức nóng từ động cơ kết hợp với gió biển để sấy mực, được Hội Nghề cá Việt Nam chứng nhận đạt danh hiệu Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam lần thứ ba năm 2014.
Ngư dân “khoa học” này còn là một trong những người tiên phong vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ đóng tàu vỏ thép, với công suất 822 CV, trong tải 300 tấn, giải quyết việc làm cho 20 lao động với thu nhập của thuyền viên bình quân 120 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, ngư dân Mười còn đầu tư, mở bãi tắm Mân Thái phục vụ nhu cầu của du khách và nhân dân. Bên cạnh đó, kết hợp với đối tác Hàn Quốc khai thác cá Hagfish (người Việt Nam gọi là cá mức đá) bằng cách thả lờ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ đam mê khoa học, tiên phong làm giàu từ biển, ngư dân Mười còn tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ quyền quốc gia, nhất là khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển nước ta năm 2014.
Ngư dân Mười từng được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bằng khen của Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam; bằng khen của UBND TP Đà Nẵng; hai bằng khen của Hội Nông dân TP Đà Nẵng; danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc.