2014: Các bộ trưởng nói và làm

Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN:

Quyết tâm chấn chỉnh y đức

Năm 2013 là năm có nhiều sự cố dồn dập liên quan đến ngành y tế, trong đó đau lòng nhất là việc thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác khách hàng để phi tang. Là “tư lệnh” của ngành, tôi xin nhận một phần trách nhiệm về những sự cố liên quan đến ngành y xảy ra trong năm qua.

Đúng là có những “con sâu làm rầu nồi canh”, những con người tha hóa về đạo đức, mất hết nhân tính, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành y tế. Song phải nhận thấy rằng đa phần các y, bác sĩ đều hết lòng vì người bệnh, ngành y mỗi năm khám, chữa bệnh cho hơn 120 triệu lượt bệnh nhân, cứu sống không biết bao nhiêu người.

Trong năm tới, Bộ Y tế sẽ quyết liệt chấn chỉnh quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngành y nói chung, không phải riêng bác sĩ khám, chữa bệnh. Bộ sẽ ban hành thông tư về quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ y tế, đưa 12 điều y đức vào thông tư. Nhiều người thắc mắc vì sao ngành y tế lại có thông tư đấy mà các ngành khác không có. Tôi trả lời rằng mình đụng chạm đến sức khỏe, tính mạng người dân, trách nhiệm đã đành mà còn phải có lương tâm. Do trách nhiệm rất nặng nên bắt buộc phải có thông tư điều chỉnh.

Bộ Y tế quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, thái độ ứng xử của bác sĩ. Cải cách khám, chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Hiện tại thì khoa khám bệnh đã được cải thiện rất nhiều, thời gian chờ đợi cũng giảm.

HUY HÀ ghi

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN:     

Thực hiện tốt chiến lược dạy nghề   

Năm 2014, ngành lao động xác định sẽ phát triển đồng bộ thị trường lao động nhằm tạo nhiều việc làm mới và giải quyết việc làm cho người lao động; tiếp tục triển khai Bộ luật Lao động, Luật Việc làm; xây dựng chương trình việc làm công; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, tạo việc làm, dạy nghề gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Từng bước thực hiện cơ cấu lại lực lượng lao động (về quy mô, chất lượng, ngành nghề…) đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu các lĩnh vực kinh tế của các ngành, vùng, địa phương. Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chính sách, chế độ về tiền lương, BHXH, BHTN, điều kiện lao động, an toàn, bảo hộ lao động; tăng cường kiểm tra, nắm bắt và giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động nhằm giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của người lao động, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Bên cạnh đó, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho người lao động; đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện lao động trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài. Theo dõi chặt chẽ tình hình lao động làm việc ở nước ngoài và có phương án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động khi làm việc ở nước ngoài đi đôi với việc theo dõi, hỗ trợ và phát huy lực lượng lao động này khi về nước.

Ngành cũng sẽ thực hiện tốt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020; phát triển mạnh các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

TRẦN TỐ NHƯ ghi

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT PHẠM VŨ LUẬN:

Thiết kế chương trình, SGK phổ thông

Năm 2013, một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với ngành giáo dục là Trung ương Đảng ban hành nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Đây là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề của ngành giáo dục.

Tôi dùng hình ảnh trận đánh lớn để ví về lần đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện lần này, thực chất là để nói đến việc phối hợp của nhiều binh chủng. Trận đánh này cần có nhiều hành động, đánh nhiều mục tiêu, tổ chức nhiều chiến dịch. Tôi cũng lường trước rằng sẽ có nhiều phương án cho trận đánh lớn, nhất là trận đánh mở đầu.

Trong năm 2014, chúng tôi sẽ đẩy mạnh, tăng tốc những công việc đang triển khai. Trong đó có hai việc quan trọng là thiết kế xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông và cấu trúc lại các cơ sở đào tạo giáo viên. Hiện Bộ đã lựa chọn sáu trường ĐH sư phạm lớn của đất nước làm đầu tàu, động lực để triển khai việc này. Bắt đầu làm ở những trường trọng điểm, sau đó lan sang toàn hệ thống, đồng thời quy hoạch lại các cơ sở đào tạo sư phạm trên phạm vi cả nước. Ở đây sẽ có sự cấu trúc lại tổ chức của các trường sư phạm, mô hình đào tạo, thay đổi chương trình - SGK, phương pháp dạy và học… Tìm mọi cách nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục ĐH, CĐ theo hướng tăng cường kỹ năng mềm, sáng tạo cho sinh viên.

Chúng ta phải bắt đầu từ thiết kế chương trình, SGK phổ thông để có mục tiêu đổi mới sư phạm, tức là sư phạm phải lấy đổi mới giáo dục phổ thông làm đích để phục vụ, từ đó sẽ đi đến cấu trúc lại phương pháp đào tạo sư phạm.

HUY HÀ ghi

Bộ trưởng Tài chính ĐINH TIẾN DŨNG:

Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN

Trong năm 2014, Bộ Tài chính sẽ triển khai có hiệu quả quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DNNN. Đồng thời, triển khai quyết liệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”, hoàn thành việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt trước năm 2015. Bộ sẽ tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Bộ cũng sẽ tiếp tục triển khai tái cơ cấu thị trường chứng khoán có hiệu quả, an toàn; cơ cấu lại các sở giao dịch chứng khoán theo hướng hợp nhất trên cơ sở thống nhất nền tảng chung. Đồng thời, có sự phân tách và chuyên biệt hóa thị trường theo hàng hóa giao dịch; tái cấu trúc mô hình hoạt động độc lập của Trung tâm lưu ký chứng khoán,

Về vốn đầu tư, tập trung bố trí vốn đầu tư từ NSNN để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành và đã bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2013 nhưng chưa bố trí đủ vốn; thanh toán nợ xây dựng cơ bản; các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014... Riêng đối với vốn đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, dự án chuyển tiếp, hoàn thành trước năm 2015 sau đó mới bố trí vốn cho các công trình, dự án khởi công mới và phải đảm bảo hoàn thành trong năm 2015. Không bố trí vốn cho công trình, dự án khởi công mới hoàn thành sau năm 2015.

 

Áp lực nợ công

2014 áp lực trả nợ gốc chỉ khoảng 70.000 tỉ đồng nhưng 2015 đáo hạn khối lượng rất lớn, khoảng 120.000 tỉ đồng thì áp lực phải đảo nợ lại càng lớn. Và vẫn phải nhắc lại quan điểm của nhiều chuyên gia là quan trọng nhất không phải là nợ bao nhiêu mà là nguồn thu để trang trải nợ trong tương lai vẫn chưa nhìn thấy.

TS Trịnh Quang Anh,  Giám đốc nghiên cứu  kinh tế  - Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank)

Khi vàng tháo chạy

Nếu người dân nào có tiền gửi ngân hàng bằng VND thì nên tiếp tục gửi ngân hàng bằng tiền đồng. Nếu ai còn băn khoăn gửi VND hay đồng tiền khác thì cũng nên sử dụng tiền VN để gửi vào ngân hàng, bởi đây là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất, cũng là mục tiêu điều hành của NHNN… Hai năm qua, những ai có tiền gửi ngân hàng bằng đồng Việt Nam đều có lãi và an toàn.

NGUYễN VĂN BÌNH,  Thống đốc NHNN

Người nước ngoài cũng có quyền mua nhà

Chúng ta có tư duy trì trệ, sợ họ mua nhà rồi “chiếm” Việt Nam. Thực ra khối bất động sản bị tồn đọng mà tôi giải trình trước Quốc hội chủ yếu là căn hộ cao cấp. Nhiều biệt thự để trống mà số lượng người nước ngoài vào định cư ở Việt Nam khi ta hội nhập quốc tế đang tăng lên. Họ mua thì cũng chẳng chết ai.

Cần cho người ta mua bình thường 50-70 năm theo luật Việt Nam, rồi sau đó hết hạn thì mời anh đi. Nếu ta mở, chắc chắn sẽ có nhiều người nước ngoài mua lắm. Hiện ta có đến 130.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam, họ nói phải thuê nhà ở vì không mua được nhà. Thuê thì bắt buộc họ lậu thuế, trốn thuế, thuê 10.000 USD nhưng viết giấy chỉ có 2.000 USD.

BÙI QUANG VINHBộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Giảm bền vững số vụ tai nạn giao thông

Có lãnh đạo tỉnh đã sẵn sàng nhận trách nhiệm vì tai nạn giao thông (TNGT) tăng cả ba tiêu chí. Điển hình như lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa vừa rồi xin từ chức. Nhưng xét thấy đó là lỗi khách quan nên thôi.

Mô hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) hiệu quả, trong đó có mô hình gắn trách nhiệm người đứng đầu của Bắc Ninh và Cà Mau, mô hình ký cam kết không uống bia rượu trong giờ làm việc ở Tây Ninh... cần được nhân rộng.

TNGT đã giảm nhưng chưa mang tính bền vững. Vì vậy các cấp ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa các giải pháp đồng bộ, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo ATGT.

Dịp tết Quý Ngọ, do lượng người và phương tiện tăng cao, các địa phương cần tăng cường lực lượng đảm bảo trật tự ATGT, trong đó cần thắt chặt hoạt động vận tải, nhất là vận tải hành khách. Nếu xe khách vi phạm xử lý nghiêm cả lái xe lẫn chủ phương tiện.

NGUYỄN XUÂN PHÚC, Phó Thủ tướng

TRÀ PHƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm