2022 - năm Triều Tiên phá vỡ mọi kỷ lục về tên lửa

(PLO)- Năm 2020, Triều Tiên thực hiện 4 vụ thử tên lửa. Một năm sau, con số này tăng gấp đôi. Đến năm nay, số lượng tên lửa Bình Nhưỡng bắn ra phá vỡ mọi kỷ lục từng được ghi nhận.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2020, Triều Tiên thực hiện 4 vụ thử tên lửa. Con số này tăng lên gấp đôi vào năm 2021. Đến năm nay, số lượng tên lửa Bình Nhưỡng bắn ra phá vỡ mọi kỷ lục từng được ghi nhận, đài CNN đưa tin.

Trong số hơn 270 vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên kể từ năm 1984, hơn một phần tư diễn ra trong năm nay. Có thời điểm nước này phóng 23 tên lửa chỉ trong một ngày, theo báo cáo của Dự án Phòng thủ Tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Triều Tiên phá vỡ mọi kỷ lục về tên lửa

Chỉ riêng trong năm nay, Triều Tiên đã bắn hơn 90 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Mặc dù các cuộc thử nghiệm như vậy không phải là mới, nhưng tần suất cao kỷ lục đánh dấu một sự leo thang đáng kể và gây căng thẳng lớn cho khu vực Thái Bình Dương.

Một bản tin về việc Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo ngoài khơi bờ biển phía đông Hàn Quốc, ngày 18-12. Ảnh: REUTERS

Một bản tin về việc Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo ngoài khơi bờ biển phía đông Hàn Quốc, ngày 18-12. Ảnh: REUTERS

Phần lớn các tên lửa được thử nghiệm là tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Bình Nhưỡng cũng đã phóng tên lửa đất đối không và tên lửa siêu thanh.

Trong số các tên lửa đạn đạo được thử nghiệm có Hwasong-12, đã bay hơn 4.500 km vào tháng 10. Tên lửa này đã qua Nhật, đánh dấu lần đầu tiên một tên lửa Triều Tiên làm được điều này sau 5 năm.

Một tên lửa đáng chú ý khác là Hwasong-14, với tầm bắn ước tính hơn 10.000 km, trong khi đảo Guam của Mỹ chỉ cách Triều Tiên 3.380 km.

Tuy nhiên, Hwasong-17 mới là tên lửa tên lửa thu hút sự chú ý lớn nhất của quốc tế. Đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mạnh nhất của Triều Tiên. Về mặt lý thuyết, nó có thể vươn tới đất liền Mỹ. Tuy nhiên, các thông tin liên quan khả năng mang đầu đạn hạt nhân của tên lửa này vẫn chưa được xác định.

Từ đầu năm nay, Mỹ và giới quan sát quốc tế đã cảnh báo Triều Tiên dường như đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất. Vụ thử dưới lòng đất gần nhất Triều Tiên thực hiện là vào năm 2017. Mức năng lượng giải phóng trong vụ thử năm 2017 lên tới 160 kiloton. Để dễ dàng so sánh, 2 vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống các TP Hiroshima và Nagasaki ở Nhật hồi Thế chiến II đã lần lượt giải phóng 15 và 21 kiloton năng lượng.

Không rõ chính xác Triều Tiên sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ước tính Bình Nhưỡng có thể đã lắp ráp 20 đến 30 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, khả năng kích nổ chúng một cách chính xác trên chiến trường vẫn chưa được kiểm chứng.

Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên leo thang

Giới quan sát nhận định các cuộc thử nghiệm của Triều Tiên có nguy cơ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực. Các nước láng giềng của Triều Tiên gồm Hàn Quốc và Nhật đang xây dựng quân đội, trong khi Mỹ hứa sẽ bảo vệ 2 nước này bằng “toàn bộ khả năng, bao gồm cả hạt nhân”.

Máy bay tuần tra Kawasaki P-1 của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật bắn pháo sáng trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật. Ảnh: GETTY IMAGES

Máy bay tuần tra Kawasaki P-1 của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật bắn pháo sáng trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật. Ảnh: GETTY IMAGES

Từng có hy vọng về một bước đột phá ngoại giao vào năm 2019 sau các cuộc gặp mang tính bước ngoặt giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump. Tuy nhiên, hy vọng đó đã tan thành mây khói sau khi cả hai nhà lãnh đạo không đạt được bất kỳ thỏa thuận chính thức nào về việc phi hạt nhân hóa.

Quan hệ Mỹ-Triều đi xuống kể từ đó. Năm 2021, ông Kim công bố kế hoạch 5 năm nhằm hiện đại hóa quân đội Triều Tiên, trong đó bao gồm phát triển vũ khí siêu thanh và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Việc Triều Tiên tăng tốc độ thử nghiệm hạt nhân đã dấy lên báo động trong khu vực, đẩy Nhật và Hàn Quốc xích lại gần phương Tây hơn. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật đã tổ chức một số cuộc tập trận chung và phóng tên lửa riêng để đáp trả các vụ thử của Bình Nhưỡng.

Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực, triển khai lại một tàu sân bay tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên và gửi các máy bay chiến đấu tàng hình tối tân tới Hàn Quốc để huấn luyện. Trong khi đó, các nước thuộc nhóm Bộ tứ (liên minh quân sự không chính thức gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc) đã tăng cường hợp tác quân sự để ngăn chặn mối đe dọa từ Triều Tiên.

Mới đây, Tokyo thông báo quyết định tăng gấp đôi chi tiêu dành cho quốc phòng. Đây là đợt tăng cường quân sự lớn nhất của Nhật kể từ Thế chiến II.

Quân đội Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ mở rộng các cuộc tập trận chung với Mỹ bắt đầu từ năm tới. Hơn 20 cuộc tập trận chung sẽ được lên kế hoạch vào năm 2023 "để chuẩn bị cho các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên".

Triều Tiên sẽ tiếp tục thử tên lửa năm 2023?

Các chuyên gia cảnh báo rằng việc quân sự hóa nhanh chóng của các bên có thể gây ra sự bất ổn trên toàn khu vực và sẽ chỉ càng làm tình hình rối ren hơn.

Theo ông Bruce Klingner - nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Quỹ Di sản (Heritage Foundation), việc Mỹ và Hàn Quốc gia tăng tập trận chung vào mùa xuân 2023 có thể khiến Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa “để thể hiện sự không hài lòng”.

Theo tờ Korea Times, vụ phóng ngày 22-12 của Triều Tiên diễn ra chỉ ba ngày sau khi Mỹ và Hàn Quốc điều máy bay quân sự tham gia một cuộc diễn tập không quân chung. Trong lần diễn tập này, các máy bay ném bom F-22 Raptors và B-52 Stratofortress của Mỹ đã bay cùng với tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II và máy bay chiến đấu F-15K Slam Eagles của Hàn Quốc qua khu vực nằm trong và xung quanh bán đảo Triều Tiên.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA thường xuyên mô tả các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc là tiền đề cho một cuộc tấn công, và vì thế các cuộc thử nghiệm vũ khí của Bình Nhưỡng được xem là các biện pháp phòng thủ.

Chuyên gia Klingner nhận định rằng lúc này khả năng các bên ngồi xuống đàm phán là rất thấp, lý do là vì ông Kim sẽ chỉ quay lại bàn đàm phán với vị thế mạnh hơn, và thời điểm đó có thể là khi Triều Tiên hoàn tất phát triển kho vũ khí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm