2023 là năm nóng nhất lịch sử loài người

(PLO)- Với các dữ liệu khí hậu hiện tại, năm 2023 “gần như chắc chắn” sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử loài người.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-11, bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu (EU), cho biết với các dữ liệu khí hậu hiện tại, năm 2023 “gần như chắc chắn” sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử loài người, theo hãng tin Reuters. Theo bà Burgess, trong tháng 10-2023 thế giới ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong lịch sử, phá vỡ kỷ lục trước đó (năm 2016).

“Kỷ lục mức nhiệt cao nhất bị phá vỡ với mức chênh lệch lớn (0,4 độ C). Mức chênh lệch này cho thấy nhiệt độ trên thế giới trong tháng 10 vừa rồi là rất khắc nghiệt” - bà Burgess nói.

Ảnh chân trang P16, đăng ngày 9-11.jpg
Nắng nóng khiến nhiều khu vực tại Pakistan bị thiếu nước trầm trọng trong tháng 5-2023.
Ảnh: REUTERS

Bà còn cho biết nhiệt độ trung bình thế giới trong tháng 10 vừa qua ấm hơn 1,7 độ C so với cùng kỳ các năm thuộc thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).

Bà Burgess đánh giá rằng nhiệt độ tăng nhanh là hệ quả của phát thải nhà kính từ các hoạt động sản xuất của con người, đồng thời hiện tượng thời tiết El Nino (hiện tượng khí hậu diễn biến khác thường) cũng góp phần làm tăng lên nhiệt độ Trái đất.

“Trong tháng 9 vừa rồi, nhiệt độ trung bình Trái đất cũng cao hơn 0,93 độ C so với trung bình các tháng cùng kỳ thuộc giai đoạn 1991-2020. Chúng tôi chưa thể xác định liệu Trái đất có đang trải qua giai đoạn biến đổi khí hậu mới hay không. Nhưng trong thời gian ngắn, các kỷ lục nhiệt độ đã liên tục bị phá vỡ. Đây là một thực trạng đáng báo động” - bà Burgess nhấn mạnh.

Theo Reuters, biến đổi khí hậu và tình trạng ấm lên toàn cầu khiến nhiệt độ Trái đất tăng và băng ở hai cực tan dần. Đây cũng là nguyên nhân gây tình trạng bão lũ nghiêm trọng ở nhiều khu vực trong thời gian qua (trong đó phải kể đến cơn bão Daniel cuốn qua Libya hồi tháng 9, gây lũ lụt nghiêm trọng làm hơn 11.300 người chết và 10.000 người mất tích) và gây nắng nóng nghiêm trọng tại khu vực Nam Mỹ, cháy rừng ở Canada.

Trước thực trạng đó, các nước đã đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhà kính nhưng nỗ lực đó vẫn chưa thành hiện thực. Theo Reuters, lượng khí thải carbon (CO2) đã đạt mức kỷ lục trong năm 2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm