Theo thống kê, từ đầu tháng 6-2024 đến nay đã có 23 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Sau các đợt điều chỉnh, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng đáng kể so với khoảng thời gian trước. Hiện có 9 ngân hàng niêm yết mức lãi cao nhất trên 6%/năm ở kỳ hạn dài.
Cuộc đua nâng lãi suất huy động
Trong cuộc đua này, có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm ngân hàng. Trong khi các ngân hàng thương mại nhà nước lớn gần như “đứng im” trong cuộc đua lãi suất, thì các ngân hàng thương mại cổ phần khác nâng lãi suất khá mạnh, nhất là nhóm ngân hàng nhỏ.
Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng với các kỳ hạn dưới 1 năm. Đơn cử, TPBank đang chào lãi suất lĩnh lãi cuối kỳ tại quầy lên đến 4,5% cho thời hạn 6 tháng thì lãi suất này tại BIDV chỉ ở mức 3%.
Nổi bật nhất trong đợt điều chỉnh lãi suất hiện tại có PVCombank với mức lãi suất 9,5%/năm cho gửi tiết kiệm tại quầy với kỳ hạn 12 tháng. Ngoài ra, PVCombank cũng có chính sách cộng lãi suất từ 0,05% đến 0,15% tùy đối tượng khách hàng và số tiền gửi.
Tuy nhiên, mức lãi suất hấp dẫn này chỉ dành cho khách hàng gửi từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Với khách hàng gửi dưới 2.000 tỷ đồng, mức lãi suất cho kỳ hạn 12 và 13 tháng lần lượt ở mức 4,5% và 4,7%.
Đứng thứ hai trong cuộc đua lãi suất chính là ngân hàng HDBank. Ngân hàng này công bố mức lãi suất 7,7% và 8,1% với các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, gửi tại quầy, lĩnh lãi cuối kỳ. Còn với số tiền dưới 500 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng gửi tại quầy được hưởng 5,4% và 5,6%.
Tại ngân hàng MSB, lãi suất cao nhất 8% được áp dụng với sổ tiết kiệm mở mới. Hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1-1-2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
Ngân hàng Đông Á có mức lãi suất tiền gửi là 7,5% kỳ hạn 13 tháng trở lên, nhận lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỷ đồng trở lên. Nhóm các ngân hàng NCB, VRB và OceanBank áp dụng mức lãi suất 6,1% cho kỳ hạn 24 tháng; OCB áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 36 tháng; ABBank áp dụng lãi suất 6% cho kỳ hạn 12 tháng; VPBank áp dụng lãi suất 6%, kỳ hạn 24 tháng.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, mặt bằng lãi suất huy động sẽ liên tục duy trì ở ngưỡng cao trong thời gian tới. Nguyên nhân của mặt bằng lãi suất cao xuất phát từ bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng từ quý III-2024 với các yếu tố tăng lương, chênh lệch tỷ giá USD/VND,...
Theo tính toán từ VCBS, mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần lên từ mức đáy, tuy nhiên mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại vẫn đang thấp hơn mức lãi suất trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch COVID-19 là 5,05%/năm.
Các chuyên viên phân tích thuộc VCBS dự báo mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ trong quý II và III từ 0,3 đến 0,5 điểm phần trăm. Đồng thời, áp lực tăng có thể sẽ gia tăng trong quý IV-2024 và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm.
Lãi suất cho vay nhích nhẹ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 24-6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023, ước đạt 13,575 triệu tỷ đồng, đây là mức tăng tiền gửi thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, tăng trưởng dư nợ tín dụng dù còn thấp nhưng đạt mức 4,45%, tức là cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng huy động.
Lý giải về con số này, chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital cho rằng, việc các ngân hàng nâng lãi suất huy động trong thời điểm này cũng cho thấy nhu cầu tín dụng cao hơn, đó cũng có thể coi là một dấu hiệu tốt của nền kinh tế.
Ngoài ra, việc các ngân hàng nâng lãi suất huy động cũng sẽ có hiệu quả trong việc thu hút thêm dòng tiền vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang trở nên kém hấp dẫn hơn.
Cụ thể, chứng khoán trong thời gian qua biến động trồi sụt thất thường. Trong khi đó, vàng sau khoảng thời gian tăng nóng thì hiện đang đi ngang và được dự báo sẽ còn đi ngang trong ít nhất 3 tháng tới, có thể khiến cho nhà đầu tư nản lòng.
Từ thực tế lãi suất huy động tăng, các ngân hàng cũng điều chỉnh lãi suất đầu ra. Từ quý II-2024, nhiều nhà băng đã tăng lãi suất cho vay. Theo khảo sát mới nhất của PLO, lãi suất cho vay mua nhà của PVCombank lên đến 13%/năm, thời hạn vay 20 năm, mức cho vay tối đa là 80% giá trị tài sản.
MSB và Techcombank với lãi suất lần lượt là 10,99% và 10,5%, thời hạn cho vay tối đa 35 năm, mức cho vay tối đa tại MSB là 90% còn ở Techcombank là 70% giá trị tài sản.
Dù điều chỉnh tăng nhưng một số ngân hàng có mức lãi suất cho vay cạnh tranh trên thị trường. ShinhanBank đưa ra gói cho vay khách hàng cá nhân dao động 7-7,7%/năm; doanh nghiệp, hộ kinh doanh với mức lãi suất dao động từ 6,5-8,7%,... Các mức lãi suất này nhích nhẹ so với quý trước đó.