4 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả thu về 1,4 tỉ USD

(PLO)- Theo Cục xuất nhập khẩu ( Bộ Công thương), xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao, đạt hơn 804 triệu USD đã thúc đẩy ngành rau quả tăng trưởng khả quan trong 4 tháng đầu năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong bốn tháng đầu năm xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt gần 1,4 tỉ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Với tốc độ tăng trưởng này, ngành rau quả trở thành điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 804,647 triệu USD, tăng 58,7% đã thúc đẩy ngành rau quả tăng trưởng khả quan. Tiếp đó là thị trường Hàn Quốc đạt 65,907 triệu USD, tăng 9,4%; Nhật Bản đạt 54,343 triệu USD, tăng 8,4%.

Đặc biệt, xuất khẩu rau quả sang thị trường Hà Lan đạt 45,457 triệu USD, tăng 72,3% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu rau quả sang thị trường Hoa Kỳ đạt 72,7 triệu USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Thanh long, vú sữa... được quảng bá tại triển lãm và hội thảo quốc tế công nghệ sản xuất và chế biến rau hoa quả tại Việt Nam 2023. Ảnh: TÚ UYÊN

Thanh long, vú sữa... được quảng bá tại triển lãm và hội thảo quốc tế công nghệ sản xuất và chế biến rau hoa quả tại Việt Nam 2023. Ảnh: TÚ UYÊN

Theo Cục xuất nhập khẩu, tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc rất lớn nhưng quốc gia này không còn là thị trường dễ tính như nhiều năm trước đây. Xu hướng tiêu dùng đã hướng tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm và có sự cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…

Bên cạnh đó, hiện nay Trung Quốc đang thực thi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy nên hàng hóa Việt Nam cần hướng đến xuất khẩu chính ngạch.

Ngoài ra, DN cần thường xuyên cập nhật, tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.

Đối với thị trường Hà Lan được xem là cửa ngõ của EU khi 1/3 hàng hóa nhập khẩu sẽ đi qua nước này.

Việt Nam và EU đã ký hiệp định thương mại tự do, có khoảng 94% trong 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU giảm về 0%. Do đó, hàng Việt vào Hà Lan có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các đối thủ.

Tuy nhiên, năm 2023, EU tập trung sửa đổi rất nhiều quy định về hàm lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật MRL. Vì vậy, DN xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường Hà Lan cũng như EU cần thường xuyên theo dõi, kịp thời kiểm tra, giám sát, điều chỉnh hàng hóa phù hợp quy định.

Việt Nam đang đàm phán để ký nghị định thư 6 loại trái cây

11 loại trái cây của Việt Nam gồm mít, chanh leo, sầu riêng, chuối, xoài, măng cụt, chôm chôm, thanh long, dưa hấu, nhãn, vải thiều đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Trong đó, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết ba nghị định thư về việc xuất khẩu sang Trung Quốc với trái măng cụt, sầu riêng và chuối.

Việt Nam đang đàm phán để tiếp tục ký nghị định thư với trái vải, nhãn, chôm chôm, xoài, thanh long, dưa hấu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm