Ngày 17-4, tờ The Washington Post đã có bài viết “Những di sản của chiến tranh”. Bài viết kể câu chuyện về cuộc đoàn tụ sau 40 năm của một cựu quân nhân Mỹ và đứa con trai ở Việt Nam cũng như số phận của những đứa con rơi ở Việt Nam.
Những đứa trẻ bụi đời sau chiến trận
Câu chuyện The Washington Post lấy làm chủ đạo trong bài viết kể trên là chuyện của anh Vo Huu Nhan tìm được cha mình là một lính Mỹ. Đó là giữa năm 2013, khi anh Vo Huu Nhan đang lái xuồng chở rau bán ở chợ nổi thuộc tỉnh An Giang, ĐBSCL thì nhận được cuộc điện thoại từ Mỹ. Cuộc điện thoại báo kết quả phân tích ADN xác định được một cựu binh Mỹ là cha ruột của anh.
Từ nhỏ đến lớn, qua lời kể của mẹ, anh chỉ biết cha có tên là Bob và là lính Mỹ. “Tôi đã khóc. Tôi đã mất người cha của mình trong 40 năm qua và bây giờ cuối cùng tôi lại gặp được ông ấy” - anh Nhan kể.
Theo The Washington Post, “khi các lính Mỹ cuối cùng rời bỏ Sài Gòn vào những ngày 29, 30-4-1975, họ rời bỏ với những nỗi sợ hãi chiến tranh, họ không chắc chắn về tương lai của chính họ và hàng ngàn đứa trẻ là con của họ cũng rơi vào cuộc đời mơ hồ. Những đứa trẻ có màu da nửa đen nửa trắng là kết quả từ quan hệ giữa họ với những cô gái quán bar, người giúp việc, nhân viên giặt ủi hay những người lao động ở các khu căn cứ Mỹ.
Những đứa trẻ hình thành từ những quan hệ đó đang bước vào tuổi trung niên với nhiều câu chuyện phức tạp như chính hai đất nước đã mang họ đến cuộc đời này. Lớn lên với khuôn mặt của lính Mỹ, một thời họ bị nhạo báng. Họ đã bị bỏ rơi. Ở Việt Nam, những gia đình nhận họ làm con nuôi phải giấu mái tóc vàng, lọn tóc xoăn của họ, để những đứa trẻ này thành người bình thường. Một số đứa trẻ được đưa vào trại lao động hoặc đã có kết cục là trở thành trẻ vô gia cư, sinh sống trên đường phố. Họ được gọi là “bui doi”, có nghĩa là “bụi đời””.
Như số phận anh Vo Huu Nhan, không trở thành bụi đời nhưng anh lớn lên với những ám ảnh bị trêu chọc. Anh thường hỏi mẹ: “Tại sao những đứa trẻ đó khi nào cũng trêu chọc con? Con rất khó chịu, đôi khi con muốn đánh chúng!”. Và mẹ anh trả lời: “Con là một đứa con lai” nhưng anh cũng cảm nhận được tình thương của mẹ, ông bà ngoại và những lúc đó màu da không còn là điều quan trọng nữa…
Vo Huu Nhan (trái), một người con lai có mẹ Việt Nam, cha là lính Mỹ; Bob Thedford (phải) trong một bức ảnh cũ khi còn là nhân viên trong quân đội suốt thập niên 1960. Ảnh: THE WASHINGTON POST
ADN - Hy vọng cuối cùng
Vo Huu Nhan là trường hợp hiếm hoi bởi theo bài báo này, một nhóm con lai Mỹ đã nỗ lực để thành lập một trang mạng có chứa cơ sở dữ liệu ADN. Đây được xem là hy vọng cuối cùng để cha và con có thể đoàn tụ.
Trista Goldberg (44 tuổi), là giáo viên môn pilates (một môn thể dục) sống ở New Jersey, người sáng lập ra nhóm Chiến dịch đoàn tụ (Operation Reunite), kể cô đã được nhận nuôi bởi một gia đình Mỹ trong năm 1974 và tìm thấy mẹ ruột của mình vào năm 2001. Hai năm trước, cô đến một ngôi nhà ở TP.HCM, nơi 80 con lai đã tụ tập để cung cấp mẫu ADN. Cô hy vọng những mẫu ADN này sẽ có mẫu phù hợp để giúp cho khoảng 400 con lai đang có hồ sơ chờ đợi đoàn tụ ở Mỹ. “Chỉ một chút xíu nữa thôi, tôi có thể vẫn là một trong những người ở lại” - Trista Goldberg nói.
Những con lai còn ở lại
The Washington Post cũng nêu một số trường hợp con lai vẫn đang sống ở Việt Nam với đủ nghề: buôn bán, thợ may, công nhân… Mỗi người mang một số phận đau buồn từ ngày nhỏ.
Dang Van Son bị cha dượng đánh đập
Vào năm 1967, mẹ của Dang Van Son là Nguyen Thi Canh (đã có chồng và bảy đứa con ở miền Tây) đã yêu một người lính Mỹ tên là Jackson đóng quân tại căn cứ Long Bình gần Sài Gòn và bà Canh mang thai Dang Van Son. Sau đó người lính Mỹ cho mẹ con Canh ít tiền và họ trở về với người chồng cũ. Dang Van Son lớn lên bị cha dượng đối xử khác biệt hơn với các anh chị em, Son thường bị cha dượng đánh đập.
Một ngày nọ, sau khi lãnh một trận đòn nhừ tử từ cha dượng, cô của anh Son đã nói cho anh biết lý do anh bị cha dượng đánh vì anh là con của lính Mỹ. “Tôi thật sự buồn khi biết điều đó. Tôi luôn cảm thấy mình khác các anh chị” - anh Son nói.
Sau khi mẹ anh qua đời vì ung thư vào năm 2000, anh đã rời miền Tây lên TP.HCM lập nghiệp chỉ với mấy chục ngàn trong túi. Anh phụ việc rồi tiết kiệm và giờ đã trở thành chủ một doanh nghiệp. Con gái anh Son là Dang Thi Kim Ngan năm nay 19 tuổi, thừa hưởng gen tóc xoăn của cha nhưng với xã hội hiện đại hiện nay, Ngân tự tin: “Mọi người không quan tâm bạn đến từ đâu, miễn là bạn làm được việc và thành công”.
Nguyen Thanh An và Le Thi My Thuy bị bán
Nguyen Thanh An và vợ là Le Thi My Thuy kết hôn vào năm 2007, họ đều là con lai có số phận buồn. Sau 1975 anh An được một gia đình nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, sau này gia đình này đã bán anh cho một gia đình khác để với gốc tích con lai của mình anh có thể đem gia đình mới này đi Mỹ. Vì thế An đã bỏ trốn và sống lang thang ngoài đường.
My Thuy - vợ của An thì sau năm 1975 lại theo mẹ vào một trường cải tạo, sau đó cô cũng cố gắng làm visa nhưng visa của cô bị từ chối vì không có bằng chứng cha là người Mỹ.
Cả hai hiện đã có một con trai, họ cùng bán nước ở gần một KCN tại TP.HCM với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Nguyen Thanh Trung: Tại sao cha rời bỏ con?
Nguyen Thanh Trung hiện là công nhân. Với nửa dòng máu Mỹ và hình thức lai da trắng, từ nhỏ anh bị các bạn trong lớp chế giễu là đế quốc Mỹ nên sau đó anh đã bỏ học. Năm nay Trung đã 46 tuổi và không có thị thực nhập cảnh vào Mỹ do không đủ hồ sơ. Anh vẫn hy vọng vào những dữ liệu ADN nhưng hiện vẫn bặt vô âm tín.
Anh cho biết nếu gặp lại cha mình, anh chỉ hỏi ông một câu duy nhất: “Tại sao cha bỏ con?”.
Chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam 1975 Chiến dịch không vận trẻ em (Operation Babylift) là chiến dịch di tản trẻ em miền Nam Việt Nam sang Mỹ, Pháp, Úc và Canada diễn ra từ ngày 3 đến 26-4-1975. Đây là quyết định của chính quyền Mỹ di tản những trẻ mồ côi cha mẹ vì chiến tranh, bị khuyết tật bẩm sinh hoặc có cha là quân nhân Mỹ. Trên mỗi chuyến bay, trẻ sơ sinh được đánh số và đặt trong các hộp có dây chằng, trẻ lớn hơn thì được ngồi ghế máy bay. Có tổng cộng 30 chuyến bay cho chiến dịch này. Trong chiến dịch này, máy bay vận tải quân sự không đủ để chuyên chở trẻ em, vì thế một doanh nhân người Mỹ là Robert Macauley đã thuê một chiếc Boeing 747 để chở khoảng 300 trẻ em rời sân bay Tân Sơn Nhất. Số tiền Robert Macauley bỏ ra để thuê máy bay có từ việc thế chấp nhà của chính ông. Cũng trong chiến dịch này, một chiếc máy bay chuyên chở gần 330 người đã bị rơi vào ngày 4-4-1975. Trên chuyến bay ngoài 150 trẻ em từ sơ sinh đến bốn tuổi còn có một số nhân viên đại sứ quán Mỹ. Sau khi cất cánh khoảng 12 phút thì máy bay bị trục trặc. Phi công đã cố gắng quay ngược trở lại sân bay Tân Sơn Nhất để đáp nhưng máy bay đã rơi ở đồng lúa thuộc khu vực Cát Lái (quận 2, TP.HCM). Máy bay gặp nạn làm 78 trẻ em và 46 người lớn thiệt mạng. Tính đến chuyến bay cuối cùng của Chiến dịch không vận trẻ em, có khoảng 3.300 trẻ sơ sinh và trẻ em được đưa rời khỏi Việt Nam và được nhiều gia đình trên thế giới nhận làm con nuôi. |