4.000 container hàng Việt đang mắc kẹt tại cửa khẩu phía Bắc

Ngày 13-12, tin từ Sở Công thương Bình Thuận cho biết, ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương đã ký văn bản khẩn gởi Sở NN&PTNT; UBND các huyện, thị xã, TP; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Ban quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh và Hiệp hội thanh long Bình Thuận cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Hàng ngàn container đang kẹt tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh NVC.

Theo đó, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc liên tục triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu bị hạn chế.

Cụ thể, theo công văn ngày 10-12 từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, thời gian gần đây, lượng phương tiện chở thanh long xuất khẩu vận chuyển lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tăng cao do phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Hà Khẩu (phía Việt Nam là cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai) và cửa khẩu Thiên Bảo (phía Việt Nam là cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang). Tuy nhiên, năng lực thông quan tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn còn hạn chế.

Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, năng lực thông quan xuất khẩu khoảng 150-200 xe/ngày và đang tồn tại khu vực cửa khẩu 1.051 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu: mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử…

Tại Cửa khẩu chính Chi Ma, năng lực thông quan xuất khẩu 35-40 xe/ngày và đang tồn tại khu vực cửa khẩu 721 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là tinh bột sắn (chiếm đến 70%), chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân, cây cút mây, cau khô, nhựa thông, phế liệu kén tằm…

Tại Cửa khẩu phụ Tân Thanh, năng lực thông quan xuất khẩu khoảng 180-200 xe/ngày và hiện đang tồn tại khu vực cửa khẩu 2.228 xe.

Như vậy, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma hiện là 4.000 xe. So với lượng tồn ngày 1-12 là 3.155 xe, đến nay lượng tồn đã tăng lên 845 xe.

Mỗi container đậu chờ thông quan phải trả tiền bãi 400 ngàn đồng/ngày. Ảnh NVC.

Thời gian vừa qua, mặc dù Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Sở Công thương các tỉnh biên giới phía Bắc thông báo, khuyến cáo một cách thường xuyên, liên tục, bằng nhiều phương thức khác nhau cho các doanh nghiệp về tình hình hàng hóa chờ xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt là tại tỉnh Lạng Sơn tồn rất lớn.

Tuy nhiên, lượng hàng vẫn đưa lên rất nhiều, vượt quá khả năng thông quan hàng hóa trong ngày, tất cả các bến bãi tại các cửa khẩu đã quá tải, không thể bố trí sắp xếp được thêm. Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các tỉnh thành trên cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng.

Để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là thanh long tỉnh Bình Thuận sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc được thuận lợi, tránh ùn ứ phương tiện và hàng hóa, Sở Công Thương đề nghị Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, TP, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, Hiệp hội thanh long Bình Thuận thông báo các nội dung tại Công văn này đến các doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc được biết để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, có sự phối hợp trong việc điều tiết, vận chuyển hàng hoá lên các cửa khẩu hợp lý.

Sở Công thương đề nghị Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát tình hình sản xuất và hướng dẫn cụ thể các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ trong thời gian tới, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu. Thường xuyên cung cấp cho Sở Công Thương về tình hình sản xuất, thu hoạch thanh long của tỉnh để sở kịp thời nắm thông tin về số liệu, chủ động báo cáo khi có yêu cầu.

Các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu và các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng như các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang. Từ đó có phương án điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu thanh long nói riêng và các loại trái cây, nông sản nói chung sang Trung Quốc; giữ liên lạc chặt chẽ, trao đổi với các đối tác nhập khẩu để nắm bắt tình hình việc tiếp nhận hàng hóa tại các cửa khấu.

Anh Nguyễn Văn Chương, ngụ Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, tài xế chở thanh long qua cửa khẩu Tân Thanh cho biết, sáng 13-12 đang có hàng ngàn container kẹt lại tại bãi xe trung chuyển.


Theo anh Chương sau khi kẹt hơn 10 ngày, anh vừa quay về và chở thanh long từ Bình Thuận đến Lạng Sơn tiếp tụp xếp hàng, nằm chờ. Được biết, mỗi ngày chờ thông quan, mỗi container phải trả tiền bãi 400 ngàn đồng và cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đang kiểm tra gắt gao nên tài xế, phụ xe cứ 3 ngày phải test COVID-19 một lần. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm