Theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (Vama), doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 1-2017 đạt 20.232 xe, bao gồm 14.749 xe du lịch; 5.098 xe thương mại và 385 xe chuyên dụng.
Trong đó, doanh số xe du lịch giảm 35%; xe thương mại giảm 45% và xe chuyên dụng giảm 64% so với tháng trước.
Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 15.504 xe, giảm 34% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 4.728 xe, giảm 51% so với tháng trước.
Cũng theo báo cáo từ VAMA, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 1-2017 giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh những mẫu xe tiêu thụ cả ngàn chiếc trong tháng đầu năm 2017 thì có những mẫu xe không bán nổi 10 chiếc vì nhiều lý do về thiết kế nội ngoại thất, giá bán cao... nên không cạnh tranh với các đối thủ khác cùng phân khúc.
Dưới đây là năm mẫu xe có doanh số bán hàng èo uột, ế ẩm dưới 10 chiếc trong tháng 1-2017:
Mazda CX9 (0 xe)
Không bán nổi chiếc xe nào trong tháng đầu năm 2017 thuộc về mẫu xe CX9 của hãng Mazda, trước đó trong năm 2016, mẫu xe này chỉ bán được hơn 70 chiếc.
Theo các đại lý xe, điều này cũng là dễ hiểu bởi mẫu xe này không thể cạnh tranh nổi với các đối thủ khi thiết kế không mới, trang bị công nghệ nghèo nàn trong khi giá bán lại khá cao gần 2 tỉ đồng.
Trong khi các mẫu xe khác của Mazda đều đắt khách thì CX9 không bán nổi chiếc nào.
Bởi vậy, giai đoạn gần đây Mazda đã tập trung vào các mẫu xe khác. Một chi tiết quan trọng và rất đáng chú ý là bản thân thương hiệu Nhật Bản và người tiêu dùng cũng đang chờ sự xuất hiện của CX-9 thế hệ hoàn toàn mới với sự lột xác về thiết kế và công nghệ. Chính điều này đã khiến CX-9 hiện tại không phải là một lựa chọn.
Những chiếc Mazda CX-9 2017 thành phần đầu tiên sẽ được xuất sang thị trường Mỹ và Canada, nơi chiếm đến 80% doanh số trong kế hoạch tiêu thụ 50.000 chiếc xe của hãng sản xuất Nhật Bản trên toàn cầu.
Được biết Mazda CX-9 2017 là mẫu SUV cỡ lớn mà Mazda phát triển từ năm 2006, CX-9 lắp ráp tại nhà máy ở Nhật nhưng lại không bán ở thị trường này.
2. Mitsubishi Pajero (1 xe)
Mitsubishi Pajero 2017 có giá 1,4-1,5 tỉ đồng, dòng thế hệ hoàn toàn mới được Mitsubishi Việt Nam phân phối dưới dạng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Nhưng đáng buồn mẫu xe này chỉ bán vỏn vẹn được một chiếc trong tháng đầu năm 2017.
Giá bán cao so với các đối thủ cạnh tranh khiến Pajero ế ẩm.
Nhược điểm lớn nhất của xe là mức giá bán khá cao so với đối thủ chính của mình là Toyota Fortuner, điều này ảnh hưởng lớn đến sức hấp dẫn của hàng loạt trang bị tiện nghi, an toàn vượt trội của xe.
Khác với thế hệ trước có mức giá bán khá mềm do các trang bị tiện nghi an toàn khi bán ra tại Việt Nam chỉ ở mức cơ bản, Mitsubishi Pajero được trang bị đầy đủ những tiện nghi an toàn cao cấp ở cả hai phiên bản được phân phối giúp đáp ứng xu hướng mua xe cao cấp của người tiêu dùng.
Ngoài ra, xe này có một số nhược điểm khiến khách hàng Việt không chọn mua như chất lượng màn hình DVD chưa tương xứng với giá trị của xe; động cơ V6 của Pajero Sport không phù hợp với người sử dụng xe đi lại hằng ngày trong TP đông đúc do mức tiêu hao nhiên liệu ở điều kiện vận hành này khá cao; tay nắm cửa trước thiết kế lớn, làm việc điều chỉnh các nút bấm trên của xe bị vướng víu khó chịu…
3. Suzuki Grand Vitara (4 xe)
Mẫu xe này của hãng xe Suzuki chỉ bán được bốn chiếc tại thị trường Việt Nam trong tháng 1-2017.
Những nhược điểm của mẫu xe này là: Đuôi xe thiết kế không đồng nhất với vẻ hiện đại ở đầu xe, không được bắt mắt, hệ thống giải trí đơn giản; trần xe khá nóng khi đi dưới trời nắng do cửa sổ trời lớn, tấm vải lót trần xe mỏng; hộp số vận hành chưa thực sự mượt mà ở số thấp; vận hành ở tốc độ trên 100 km/giờ kém ổn định, vô lăng nhẹ. Khoảng tốc độ vận hành mượt mà của xe 80 km/giờ; khả năng cách âm kém…
4. Mitsubishi Outlander (4 xe)
Mitsubishi Outlander tại Việt Nam được đánh giá cao nhờ những ưu điểm ở vận hành, an toàn, tính thương hiệu bên cạnh nhược điểm trang bị, giá bán... Tuy nhiên, giống như mẫu xe Pajero, mẫu xe Outlander có giá bán cao so với các dòng xe đối thủ cùng phân khúc1-1,3 tỉ đồng.
Nội thất, tiện ích không tương xứng với giá bán khiến người tiêu dùng quay lưng.
Những nhược điểm của mẫu xe này là trang bị ngoại thất, tiện nghi nội thất trên hai phiên bản động cơ 2.0L chưa thật sự tương xứng với giá bán, thiếu nhiều tính năng cơ bản; xe chỉ trang bị duy nhất dàn lạnh phía trước, dù khả năng làm lạnh của máy lạnh tốt nhưng sẽ không tránh khỏi ''trên lạnh, giữa mát, phía sau nóng'' được; chất lượng hệ thống giải trí, màn hình, hệ thống loa bình thường; không trang bị tính năng thắng tay điện tử, cảm biến áp suất lốp, cảm biến lùi; không được trang bị tính năng khóa cửa tự động khi xe chạy, một tính năng cần thiết cho xe gia đình…
5. Honda Odyssey (9 xe)
Những nhược điểm của mẫu xe này: Gầm xe quá thấp, hạn chế khi đi trên đường xấu, dễ bị trầy cửa xe nếu đậu xe quá sát lề đường có vỉa hè cao; khả năng cách âm tương đối, tiếng ồn khi đi trên đường đá dăm, đường xấu khá nhiều; khoang chứa đồ khi ba hàng ghế được sử dụng chỉ đủ chỗ cho những chuyến đi ngắn ngày; cửa khoang hành lý không có tính năng đóng mở điện… Với mức giá trên 2 tỉ đồng cũng là khó khăn khiến dòng xe này không chiếm được sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Cũng theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, ngoài năm mẫu xe ế ẩm trên thì trong tháng 1-2017 còn có năm mẫu xe khác doanh số bán hàng èo uột như mẫu xe Proton Mekong (bán được 10 xe), Suzuki Ertiga (13 xe), Mekong Premio (16 xe), Isuzu D-Max (20 xe) và Honda Accord (22 xe).