Sau 8 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình dịch bệnh trên địa bàn một số tỉnh ở ĐBSCL vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số địa phương có số ca bệnh hằng ngày liên tục tăng và ở mức rất cao.
Nhằm siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nhiều địa phương đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu người dân hạn chế tối đa ra đường nhằm đảm bảo cho công tác phòng chống dịch trên từng địa bàn.
Tại Long An, theo Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh, tính đến 18 giờ ngày 26-7, địa phương đã ghi nhận 3.976 ca nhiễm COVID-19. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đầy đủ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.
Nhiều địa phương siết chặt hơn nữa công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: PV
Đồng thời, tăng cường thực hiện mọi người dân trên địa bàn tỉnh hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ. Trừ các trường hợp: Cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương triển khai việc phát “phiếu mua hàng thiết yếu” theo hộ gia đình, theo ngày chẵn - lẻ, chia theo khung giờ đi chợ nhằm giảm thiểu tối đa mật độ tiếp xúc giữa người với người (mỗi khung giờ tối đa là 2 giờ ).
Đồng thời bố trí các rào chắn tại các cửa ngỏ, các khu vực kết nối quan trọng giữa các địa bàn để kiểm soát 24/24 nhằm hạn chế việc di chuyển không cần thiết của người dân, đảm bảo giãn cách xã hội giữa ấp, khu phố cách ly với ấp, khu phố, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, huyện - thị xã - thành phố cách ly với huyện - thị xã - thành phố. Thời gian thực hiện từ 18 giờ ngày 27-7 đến hết ngày 1-8.
Tại Tiền Giang, một trong những địa phương có số ca nhiễm COVID-19 cao trong cộng đồng ở khu vực ĐBSCL. Tính đến 6 giờ ngày 27-7 Tiền Giang đã ghi nhận 2.052 ca nhiễm COVID-19.
Một số nơi quy định người dân được đi chợ theo khu giờ nhất định. Ảnh: PV
Trước diễn biến cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh và thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16; UBND tỉnh Tiền Giang có công văn chỉ đạo từ ngày 27-7 đến hết ngày 1-8, mọi người dân không được ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, trừ các trường hợp: Cấp cứu; các lực lượng thực hiện, phục vụ, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sau 6 giờ hàng ngày, việc ra đường của người dân vẫn thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Bến Tre, ngày 27-7, UBND tỉnh Bến Tre cũng có công văn quy định khung giờ của một số hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.
Theo đó, khung giờ đi chợ của người dân được quy định từ 6 - 10 giờ và từ 14 - 17 giờ hàng ngày. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 6 giờ ngày 28 tháng 7 trên phạm vi toàn tỉnh.
Và từ 18 giờ đến 5 giờ ngày hôm sau người dân không được ra đường (trừ các trường hợp cấp cứu, đi mua thuốc trị bệnh, thi hành công vụ, chuyên chở hàng hóa thiết yếu…và các vấn đề cấp thiết khác).
Các địa phương yêu cầu người dân nghiêm túc chấp hành theo quy định, đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát xử phạt đối với những trường hợp không chấp hành nghiêm theo quy định trong công tác phòng chống dịch.
Ngày 27-7, Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Công văn hỏa tốc truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh quy định thời gian ra đường theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu người dân trên ngày hôm sau kể từ 27-7 đến ngày 2-8.
Các trường hợp được phép ra đường gồm: cấp cứu, lực lượng làm công tác phòng, chống dịch; lực lượng phòng, chống thiên tai; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài; lực lượng phát hành thư báo; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến"; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hoá xuất nhập khẩu; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gas.
Cùng ngày, VP UBND tỉnh Kiên Giang cũng ban hành Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh này tại cuộc họp giao ban kiểm tra công tác phòng, chống COVID-19. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu người dân trên phạm vi toàn tỉnh không ra đường từ sau 18 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau (trừ trường hợp đã có quy định) bắt đầu từ 00 giờ ngày 28-7.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương theo dõi sát nguồn hàng thiết yếu của người dân. Từ đó, có phương án phục vụ, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm hàng hóa thiết yếu, không để người dân thiếu lương thực thực phẩm. Cạnh đó, có kế hoạch điều tiết, cung ứng hàng hóa kịp thời, trong đó ưu tiên các nguồn hàng có sẵn của địa phương.
Mặt khác, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể về thời gian người dân đi mua lương thực, hàng hóa thiết yếu theo nguyên tắc: Mỗi hộ gia đình chỉ cho phép một người đi mua lương thực, hàng hóa thiết yếu, từ 5-10 ngày đi một lần. Thực hiện luân phiên ngày chẵn, ngày lẻ và giới hạn thời gian đi mua lương thực, hàng hóa thiết yếu mỗi ngày sáu tiếng, cụ thể buổi sáng ba tiếng, buổi chiều ba tiếng để tránh đông người cùng một lúc.