64 liệt sĩ Gạc Ma đã trở thành biểu tượng của bất tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc

Sáng 14-3, Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 14-3-1988. Lễ tưởng niệm diễn ra tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm.

Các cựu binh Trường Sa ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, tưởng niệm các liệt sĩ đồng đội. Ảnh: TẤN LỘC

Dòng người nối nhau dâng hương tưởng niệm

Từ sáng sớm, nhiều người từ khắp nơi bắt đầu đổ về khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ai cũng trang nghiêm, tập trung trước tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” mang biểu tượng "Vòng tròn bất tử” được tạo thành từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma trước cuộc tấn công phi pháp của hải quân Trung Quốc ngày 14-3-1988.

Lễ tưởng niệm diễn ra trang nghiêm với sự tham gia của ông Nguyễn Khắc Toàn- Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa; ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhân thân các liệt sĩ, các cựu chiến binh Trường Sa, nhiều cơ quan, đơn vị…

Tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma. Ảnh: TẤN LỘC

Dòng người nối nhau thành kính dâng hoa, dâng hương, viếng mộ gió các liệt sĩ, tham quan bảo tàng ngầm… Nhiều người xúc động, rơi nước mắt khi nhìn lên bia tên 64 liệt sĩ ở khu mộ gió nghi ngút khói hương. Các cựu chiến binh Trường Sa, thân nhân các liệt sĩ chăm chú xem từng hiện vật của tàu HQ 604, kỷ vật của các liệt sĩ.

“Con đã nhìn thấy ba ở đảo Gạc Ma!”

“Lần nào cũng vậy, đến khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trong ngày 14-3, tôi cảm thấy rất thiêng liêng, có cảm giác như cha tôi cùng các đồng đội của cha tề tựu về đây với mọi người”. Đó là chia sẻ xúc động của chị Trần Thị Thủy, con gái duy nhất của liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Phương, người đã hy sinh ở Gạc Ma ngày 14-3-1988. Chị Thủy hiện là thượng úy Hải quân, công tác tại Lữ đoàn 146 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.

Trang nghiêm trước tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời". Ảnh: TL

Chị Thủy nói cứ đến ngày 14-3, chị lại có tâm trạng như lần đầu được ra vùng biển đảo Cô Lin- Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa hồi cuối tháng 3-2010, nơi cha chị đã ngã xuống cùng đồng đội để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Lần ấy, giữa mênh mông biển trời, tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” vang lên trầm hùng trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh ở Gạc Ma.

Chị Thủy bật khóc nức nở, nhìn đăm đắm xuống biển sâu như cố tìm bóng hình cha mình. Khi đi qua vùng biển đó, chị Thủy hướng mắt nhìn về đảo và khóc. “Tôi cảm giác như cha tôi cùng các đồng đội của cha đã hy sinh ở đảo Gạc Ma vẫn đang hiện hữu với dáng đứng hiên ngang để bảo vệ lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước”- chị Thủy nghẹn ngào.

Thượng úy Thủy kể thêm: “Lần đó, tôi gọi điện thoại về nhà nói với mẹ là “Mẹ ơi! Con đã nhìn thấy ba ở đảo Gạc Ma!” Mẹ tôi khóc nghẹn, không nói được lời nào”.

Thượng úy Trần Thị Thủy trước bàn thờ các liệt sĩ Gạc Ma. Ảnh: TẤN LỘC

Sau khi cùng cô chú trong Hội Cựu Chiến binh Trường Sa Cam Ranh dâng hương tưởng niệm, chị Thủy đứng lại rất lâu trước bàn thờ các liệt sĩ. “Tự hào về sự hy sinh anh dũng của cha, tôi luôn cảm thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn trong cuộc sống hôm nay”- chị Thủy chia sẻ.

Tạm gác mọi công việc, Trung tá Hải quân- bác sĩ Từ Công Tạo (73 tuổi) cùng nhiều người thuộc Hội Cựu Chiến binh Trường Sa Cam Ranh với trang phục quân nhân chỉnh tề, mang theo vòng hoa đến tưởng niệm các đồng đội từ sáng sớm. Trung tá Tạo từng công tác tại Đội điều trị 486 Vùng 4 Hải quân, trực tiếp điều trị cho các thương bệnh binh Trường Sa.

Các cựu binh Trường Sa ở Khánh Hòa tưởng niệm các liệt sĩ đồng đội. Ảnh: TÂN S LỘC

Cùng các cựu binh Trường Sa đứng trang nghiêm trước tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, Trung tá Tạo rưng rưng đọc bài thơ do chính ông sáng tác để tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh tại Gạc Ma. Các cựu binh Trường Sa và những người xung quanh đều xúc động đến lặng người trước từng câu, từng chữ của bài thơ.

Đến thắp hương các liệt sĩ ở bàn thờ tại khu mộ gió, Trung tá Tạo nghẹn ngào khi nhìn thấy tên liệt sĩ Phan Huy Sơn trên tấm bia. Liệt sĩ Sơn là đồng đội, cấp dưới cùng đơn vị của Trung tá Tạo ở bộ phận điều trị. Bác sĩ Tạo chạm tay vào dòng chữ khắc tên liệt sĩ Phan Huy Sơn trên tấm bia như được cầm tay người đồng đội thân thương của mình ngày nào.

“64 liệt sĩ hy sinh anh dũng để bảo vệ đảo Gạc Ma đã trở thành biểu tượng bất tử của Tổ quốc. Các anh mãi mãi sống trong lòng dân tộc!”- Trung tá Từ Công Tạo nói.

Một số hình ảnh tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma sáng 14-3. Ảnh: TẤN LỘC

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa dâng hương tưởng niệm. 

Các đoàn tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma

Trang nghiêm lễ tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma

Trước tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời"

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ

Bà Nguyễn Thị Hường (ngụ xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An), chị của liệt sĩ Nguyễn Tất Nam dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma.

Các cựu chiến binh Trường Sa đến tưởng niệm đồng đội.

Các cựu binh Trường Sa ở TP Cam Ranh

Các cựu binh dâng hương tưởng niệm đồng đội.

Nhiều đoàn liên tiếp đến tưởng niệm.

Các cựu binh tưởng nhớ đồng đội.

Trong bảo tàng ngầm ở khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

64 bông hoa muống biển xung quanh Tổ quốc trượng trưng 64 chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm