77 năm ngày thể thao Việt Nam: Nghĩ về những chiếc huy chương

(PLO)-Nếu tính riêng mặt trận thể thao Đông Nam Á tại SEA Games gần nhất thì thể thao Việt Nam (TTVN) đang dẫn đầu khu vực, nhưng để bước ra sân chơi châu Á và thế giới thì vẫn còn rất nhiều điều phải nghĩ ngợi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Nếu tính riêng mặt trận thể thao Đông Nam Á tại SEA Games gần nhất thì thể thao Việt Nam (TTVN) đang dẫn đầu khu vực, nhưng để bước ra sân chơi châu Á và thế giới thì vẫn còn rất nhiều điều phải nghĩ ngợi.

Hai lần TTVN đứng đầu Đông Nam Á đều là hai lần chúng ta đăng cai SEA Games (2003 và 2022). Ngoài nỗ lực, sự đầu tư và điểm rơi, sân chơi Đông Nam Á còn có một độ vênh lớn khi trao quyền “chủ nhà là vua”. Chính độ vênh này mà các quốc gia đăng cai hay tận dụng mở rộng và thêm những môn ưu thế của mình, đồng thời “bóp” những môn sở trường của đối thủ.

Thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games. Ảnh: ANH PHƯƠNG

So với các quốc gia khác, VN ít bị than phiền về những chiêu trò để lên ngôi số 1 nhưng khi trở lại với SEA Games do các quốc gia khác đăng cai thì chưa bao giờ lên vị trí đầu, so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Xa hơn khi bước ra sân chơi châu Á thì sự thua thiệt bộc lộ nhiều hơn, hoặc so với Olympic, mà gần nhất là Olympic Tokyo 2021, đoàn VN đứng hạng 94 thế giới, bằng với những quốc gia không có huy chương nào, thấp hơn Philippines (hạng 50 với 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ), Indonesia (hạng 55 với 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ), Thái Lan (hạng 59 với 1 HCV, 1 HCĐ), Malaysia (hạng 74 với 1 HCB, 1 HCĐ).

Sự lạ lẫm ở sân chơi lớn khi bước ra thế giới của TTVN thể hiện rõ ở Olympic Bắc Kinh 2008 khi có VĐV bị dính doping vì thuốc lợi tiểu nhằm giảm béo, hay khi sang Anh tham dự Olympic 2012, đội tuyển thể dục dụng cụ VN “dị ứng” với các thiết bị quá mới mẻ, hiện đại mà phía chủ nhà cung cấp. Đến lúc đấy mới được lý giải của người có trách nhiệm là chúng ta đã “quen” với các thiết bị được hỗ trợ từ thập niên 1980-1990 của thế kỷ trước.

Ra sân chơi thế giới thì thế nhưng về lại Đông Nam Á với SEA Games 2005 tại Philippines thì thể dục dụng cụ VN đã đoạt đến 5 HCV và được xem là bước nhảy vọt ngạc nhiên nhất.

Điều đó càng cho thấy giá trị của những chiếc huy chương nhưng không thể cứ mãi lấy thước đo chiến thắng bằng sự khổ luyện mà thiếu những trang thiết bị hiện đại để giúp VĐV bắt nhịp với xu hướng thế giới.

Hay như chiếc HCV lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016. Một chiến thắng lịch sử đưa TTVN vươn lên rất nhiều đoàn nhưng khi nghe trả lời phỏng vấn của chính nhà vô địch thế giới rằng thiếu đạn thật để tập và các xạ thủ phải luyện tập kiểu bắn bằng cảm giác, bằng thói quen với “đạn chay” thì ai cũng nể phục sự khổ luyện và nỗ lực vượt khó.

Công bằng mà nói thì TTVN đã có những bước tiến vượt bậc trong 77 năm qua nhưng chỉ lấy bước tiến từ xuất phát điểm đấy mà so đo với chính mình thì thật thiếu sót.

Bên cạnh đó là chế độ đãi ngộ với VĐV ngoài bóng đá ra vẫn còn rất thấp khiến nhiều người phải đắn đo với việc tiếp tục cùng nghiệp thể thao.

Hy vọng song song với giá trị của những chiếc huy chương đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu, các VĐV thể thao nước nhà còn nhận ra giá trị từ công sức, sự khổ luyện của mình được nhìn nhận bằng sự phát triển toàn diện của ngành, trong đó có “phần thưởng” tương xứng với đời VĐV.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm