9 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá trong tháng 8

(PLO)- Bình quân 8 tháng, lạm phát cơ bản tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung, điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Tổng Cục thống kê, giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, cả nước bước sang năm học mới 2022-2023, học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại.

Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7 đã làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có chín nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, hai nhóm hàng giảm giá.

Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng cao nhất 1,46%. Giá dịch vụ giáo dục tăng 1,51% so với tháng trước do trong tháng 8 một số tỉnh, thành trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học mới 2022-2023 đối với các trường mầm non, trường trung cấp, cao đẳng và đại học.

Bên cạnh đó, chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng. Giá sách giáo khoa tăng 1,05%, bút viết các loại tăng 1,38%, giá vở, giấy viết các loại tăng 1,02% so với tháng trước.

Tăng cao thứ hai là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống 1,05% (lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình) tác động làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm.

Theo đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,19% trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,06%. Giá gạo tăng do giá vật tư phân bón, nguyên liệu đầu vào sản xuất ở mức cao.

Các đợt xăng dầu được điều chỉnh giảm trong tháng 8 giúp giá xăng giảm 14,52% so với tháng trước

Các đợt xăng dầu được điều chỉnh giảm trong tháng 8 giúp giá xăng giảm 14,52% so với tháng trước

Giá thực phẩm tháng 8 tăng 1,33% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu tập trung ở một số mặt hàng như thịt heo tăng 4,95% so với tháng trước.

Giá thịt gia cầm tăng 0,72% so với tháng trước và giá trứng các loại cũng tăng 2,68% so với tháng trước do đang vào mùa sản xuất bánh Trung thu...

Nhu cầu làm bánh Trung thu khiến trứng gia cầm tháng 8 tăng 2,68% so với tháng trước.

Nhu cầu làm bánh Trung thu khiến trứng gia cầm tháng 8 tăng 2,68% so với tháng trước.

Đáng chú ý, trong tháng 8 chỉ số giá nhóm giao thông giảm 5,51% so với tháng trước làm CPI chung giảm 0,53 điểm phần trăm.

Chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước ngày 1, 11, 22-8. Tuy nhiên, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,88% trong đó giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 3,78%; đường bộ tăng 0,14%; taxi tăng 0,11%...

Giá xe đạp, xe máy, xe ô tô mới tiếp tục tăng lần lượt 0,33%, 0,27% và 0,11% do thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng.

So với cùng kỳ năm trước CPI tháng 8 tăng 2,89%. Bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 8 tháng, lạm phát cơ bản tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,58%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm