Ai đang thắng thế ở Nhà Trắng?

Vừa qua, ông Stephen K. Bannon, trưởng cố vấn chiến lược Nhà Trắng và là cố vấn được Tổng thống Trump tin cẩn nhất từ thời còn tranh cử, đã bị loại khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Chuyển động này được giải mã là một bước lùi của ông Bannon và là chiến thắng của cố vấn an ninh quốc gia tướng H.R. McMaster mới được bổ nhiệm. Gần đến mốc 100 ngày cầm quyền của ông Trump, sau liên tiếp nhiều vụ lùm xùm và thất bại, nội bộ Nhà Trắng của tân tổng thống Mỹ đang có những xáo trộn mạnh mẽ trong nấc thang quyền lực. Những người thắng thế thật sự tại Nhà Trắng đang dần lộ diện.

“Liên minh” thất thế?

Tổng thống Mỹ Donald Trump, lo ngại vì mâu thuẫn nội bộ trong đội của ông, đang cân nhắc cải tổ đội ngũ nhân viên. Việc cải tổ có thể bao gồm sa thải một số quan chức cấp cao, tờ Wall Street Journal đưa tin. Tờ báo dẫn lời một cố vấn cho biết việc sa thải không phải là vấn đề “có hay không” mà chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong đó, hai nhân vật có khả năng mất ghế là trưởng cố vấn chiến lược Stephen K. Bannon và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, tờ Wall Street Journal phân tích.

Ông Bannon chính là “bộ não” điều hành chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump và được chọn vào vị trí cấp cao trong đội ngũ dù chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế trên chính trường. Còn ông Reince Priebus cũng được xem là một trong những trợ lý ông Trump tin cậy nhất khi mới xây dựng êkíp Nhà Trắng. Ông Priebus được giao văn phòng duy nhất có sân vườn tại Nhà Trắng, còn văn phòng của ông Bannon chỉ cách Phòng Bầu dục, phòng làm việc của tổng thống, vài bước chân. Theo một bài phóng sự cuối tháng 3 của The New York Times, hai nhân vật có lập trường chính trị bảo thủ này đã tạo nên một “liên minh” trong Nhà Trắng để đối trọng với “nhóm New York” gồm các doanh nhân và chính khách có lập trường cởi mở trong êkíp của ông Trump. Thế nhưng liên minh này giờ đây đang có dấu hiệu thất thế nặng nề, theo kênh truyền hình CNN.

Ông Bannon mới đây đã không còn nắm vị trí thành viên thường trực của NSC. Dù một số nguồn tin thân với ông Bannon tiết lộ với tờ The Washington Post rằng đây không đồng nghĩa với một quyết định “giáng chức”, tuy nhiên không thể phủ nhận quyền lực của ông Bannon bị thu hẹp đáng kể sau khi không còn chân trong NSC. Trong hơn hai tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, ông Bannon thể hiện sự ảnh hưởng quan trọng trong nhiều quyết sách, đặc biệt qua việc xây dựng luật chống nhập cư với người Hồi giáo từ bảy nước phiên bản đầu tiên. Tuy nhiên, sắc lệnh này sau đó vấp phải sự phản đối dữ dội từ người dân và hệ thống tư pháp. Báo chí từng đăng tải một video ngắn quay lại cảnh ông Trump được cho là đang quát tháo ông Bannon sau khi sắc lệnh bị các tòa án chặn đứng.

Trong khi đó, ông Priebus đang đứng trước khoảng thời gian đầy giông bão. Một số nhân sự trong Nhà Trắng tiết lộ với CNN, ông Trump gần đây thậm chí còn không thèm hỏi ý kiến ông Priebus nữa. Thất bại ê chề của dự luật bảo hiểm xã hội thay thế cho Obamacare đã khiến ông Trump đặc biệt thất vọng đối với các lãnh đạo của đảng Cộng hòa, gồm ông Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện và ông Priebus, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa. Hiện chánh Văn phòng Nhà Trắng đang tìm cách xây dựng một dự thảo mới để ghi điểm với ông Trump. Nhiều nguồn tin cho rằng đây cũng sẽ là cơ hội cuối cùng cho ông Priebus và nếu ông thất bại thì hẳn sẽ bị “mời” rời khỏi Nhà Trắng.

CNN cho biết ông Priebus dường như không còn đủ khả năng chiều lòng “sếp” mình nữa, đặc biệt khi mức độ ủng hộ của người dân đối với các chính sách đối nội của ông Trump đang ngày một thấp. Theo tờ WSJ, ông Trump gần đây có thảo luận với một số nhân viên thân cận về biểu hiện của chánh văn phòng và yêu cầu họ tiến cử người thay thế.

Sức ảnh hưởng của chàng “rể quý” Jared Kushner (phải) đang tăng nhanh chóng mặt. Ảnh: GETTY

Tướng H.R. McMaster (trái) đang từng bước khẳng định vị thế. Ảnh: AP

 “Liên minh” giữa ông Bannon (giữa, trái) và ông Priebus (giữa, phải) đang thất thế. Ảnh: GETTY

Những trụ cột mới

Chàng “rể quý” của ông Trump, Jared Kushner, đang nắm giữ vị trí cố vấn cấp cao trong Nhà Trắng. Mới đây, ông Kushner còn được bổ nhiệm thêm vị trí lãnh đạo một văn phòng mới thành lập trong Nhà Trắng - Văn phòng chính phủ Mỹ, có nhiệm vụ cải thiện hoạt động chính phủ Mỹ theo hướng tinh gọn, hiệu quả như một bộ máy kinh doanh.

Sức ảnh hưởng của ông Kushner đang tăng nhanh chóng mặt. CNN thậm chí đã gọi ông là “bộ trưởng của các bộ”. Với nhiệm vụ cải tổ hoạt động chính phủ Mỹ, ông Kushner được cho là người đầu tiên “khiêu chiến” cáo buộc ông Bannon “phá vỡ” chính quyền và ảnh hưởng tiêu cực đến tổng thống. Một người thân cận với ông Kushner nói chàng rể của ông Trump tin rằng ông Bannon sẽ còn mang lại rắc rối hơn cả ông Reince Priebus.

Nguồn tin của CNN cho rằng dù tướng H.R. McMaster là người lên kế hoạch tách ông Bannon ra khỏi hệ thống hoạch định chính sách an ninh Mỹ, chính sức ảnh hưởng của ông Kushner mới là nhân tố quyết định khiến ông “trùm chiến lược” của Nhà Trắng rời khỏi NSC. Trả lời phỏng vấn của CNN, một quan chức chính phủ khẳng định Nhà Trắng đang xuất hiện một “trung tâm quyền lực” mới ở khu vực cánh Tây, bao gồm các cựu lãnh đạo ngân hàng Goldman Sachs, cố vấn tài chính Gary Cohn và phó cố vấn an ninh quốc gia Dina Powell, được đặc biệt ưu ái. Cùng với vai trò ngày một lớn của ái nữ Ivanka Trump trong các hoạt động ngoại giao cấp nguyên thủ, sự thăng tiến của ông Jared Kushner cho thấy ông Trump đang ngày một tin tưởng những người thân thiết với mình nhiều hơn. Điều này cũng khiến quyền lực tập trung nhiều hơn vào nội bộ gia đình ông Trump.

Một nhân vật khác đang dần chứng tỏ sức ảnh hưởng của mình chính là tướng H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia vừa được ông Trump bổ nhiệm hồi tháng 2. Như tờ The New York Times tiết lộ, quyết định tái cơ cấu NSC được đạo diễn bởi chính tay tướng H.R. McMaster. Việc loại ông Bannon ra khỏi hội đồng được đánh giá là một thắng lợi lớn cho ông McMaster để giảm sự chia rẽ và tăng quyền kiểm soát NSC, đồng thời loại bỏ các tư tưởng bảo thủ và nặng về chính trị lên các quyết sách an ninh. Bên cạnh các thay đổi nhân sự ủy ban nòng cốt NSC, ông Trump còn đặt Hội đồng An ninh nội địa (HSC) cũng dưới quyền giám sát của ông McMaster, thay vì tách cơ quan này hoạt động riêng rẽ như quyết định ban đầu.

Sau chiến thắng trên mặt trận đối nội là loại ông Bannon ra khỏi NSC, dấu ấn của ông McMaster tiếp tục được thể hiện trong vụ Mỹ phóng tên lửa đánh sân bay quân sự Syria. Ông là một trong ba quan chức hàng đầu chính phủ Mỹ cùng Ngoại trưởng Rex Tillerson và Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley lên tiếng truyền tải thông điệp của Tổng thống Trump về lập trường của Washington sau vụ không kích. Trong lần trả lời phỏng vấn đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông McMaster đã tái khẳng định với Fox News lập trường chống chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng thời cả quan điểm cứng rắn nhưng sẵn sàng hòa giải và để Nga định đoạt số phận của ông Assad. Theo tờ Politico nhận định, những nhận định của tướng McMaster có thể phản ánh gần nhất các quan điểm an ninh của ông Trump.

Nhà Trắng trấn an

Tuy xuất hiện liên tiếp nhiều thông tin về rối loạn nội bộ êkíp của Tổng thống Trump, người phát ngôn Nhà Trắng Linday Walters vẫn khẳng định các tin này “hoàn toàn là giả”.

Bà còn cho rằng đây là một âm mưu nhằm hướng sự chú ý của dư luận khỏi quyết định “táo bạo và quả quyết” của ông Trump khi ra lệnh dội tên lửa xuống sân bay quân sự Syria, việc bổ nhiệm thành công ông Neil Gorsuch làm thẩm phán Tòa án Tối cao và những chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm