Tờ The Washington Post thu thập thông tin từ 18 quan chức hàng đầu Nhà Trắng, gồm nhiều người thân cận ông Trump cũng như nhiều thành viên Cộng hòa cấp cao, cho biết: Đang có một cuộc nội chiến trong đội ngũ cố vấn Tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng. Đội ngũ cố vấn hiện chia làm hai nhóm: Các doanh nhân đến từ New York cùng vợ chồng con gái ông Trump có tư tưởng cởi mở; các thành viên Cộng hòa dân túy dẫn đầu là nhà chiến lược trưởng Stephen K. Bannon.
Nhận diện “nhóm New York”
Theo nguồn tin của The Washington Post, “nhóm New York” gồm các doanh nhân, dẫn đầu là ông Gary Cohn, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia và bà Dina Powell, phó cố vấn an ninh quốc gia về chiến lược. Đây là hai cựu lãnh đạo cấp cao ở ngân hàng đầu tư Goldman Sachs. Nhóm này có quan hệ tốt với ái nữ Ivanka Trump và con rể Jared Kushner của Tổng thống Trump.
Bà Powell bên cạnh chức danh phó cố vấn an ninh quốc gia về chiến lược còn là cố vấn cấp cao về các sáng kiến kinh tế, được dự đoán sẽ còn nắm giữ nhiều vai trò hơn trong hoạt động ngoại giao. Trong cuộc gặp song phương với phái đoàn Thủ tướng Đức Angela Merkel, bà Powell được sắp xếp ngồi kế bên Phó Tổng thống Mike Pence và Tổng thống Trump. Trong khi đó, ông Cohn với tư cách là giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia có ảnh hưởng rất rộng đến các chính sách kinh tế nội địa và nước ngoài. Ông là người rất quyết đoán và đòi hỏi cao trong công việc, được đánh giá là nhân vật đe dọa vị trí chánh văn phòng Nhà Trắng của ông Reince Priebus. Ông Cohn và ông Kushner đặc biệt có quan hệ thân thiết với Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Theo The Washington Post, nhóm cố vấn “New York” được xem là có lập trường cởi mở và được gọi là “phe Dân chủ” trong Nhà Trắng. Ông Cohn từng là người ủng hộ Tổng thống Obama, ủng hộ các chính sách nội địa của ông Obama như bảo hiểm y tế, nhập cư và thương mại tự do. Ông Cohn chỉ đoạn tuyệt với Tổng thống Obama sau khi chính phủ Obama thi hành hàng loạt cải cách phố Wall khiến ngân hàng Goldman Sachs gặp khó.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Gary Cohn (trái) và con rể ông Trump, Jared Kushner (phải), trong một buổi họp báo của Tổng thống Trump tại Nhà Trắng ngày 23-1. Ảnh: GETTY IMAGES
Ông Bannon (trái) và ông Priebus (giữa) quyết định liên minh đối phó “nhóm New York”. Ảnh: REUTERS
Đối đầu kịch tính
Tuy nhiên, “nhóm New York” đang bất đồng lớn với một nhóm cố vấn khác trong Nhà Trắng, gồm các thành viên đảng Cộng hòa theo trường phái bảo thủ và dân túy, dẫn đầu là trưởng cố vấn chiến lược của Tổng thống Trump, ông Stephen K. Bannon. Kiến trúc sư trưởng cho chiến dịch tranh cử của ông Trump đã trở thành cố vấn thân cận được ưu ái hàng đầu của tân tổng thống Mỹ. Ông được đưa vào danh sách dự họp thường xuyên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, động thái được đánh giá là chưa từng có tiền lệ.
Hai nhóm cố vấn này kèn cựa nhau từ các nghi thức lễ tân Nhà Trắng, mức độ được tiếp cận tổng thống, đến cả tiết lộ thông tin nói xấu nhau với báo chí. Tần suất xuất hiện bên cạnh ông Trump của nhóm cố vấn “đến từ New York” ngày càng dày đặc rõ rệt. Một người bên ngoài Nhà Trắng như chuyên gia phân tích kinh tế đài CNBC Larry Kudlow cũng có thể nhận thấy: “Mức độ tham gia của họ nhiều hơn bao giờ hết”. Tình hình này khiến nhiều người hy vọng “nhóm New York” sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến các thông điệp của ông Trump và giảm mức bảo thủ cực đoan. The Washington Post dự đoán nhóm này sẽ tăng ảnh hưởng nếu mức ủng hộ của ông Trump tiếp tục giảm sâu.
Tuy nhiên, ông Larry Kudlow lại cảnh báo: “Ông Trump đang bị hút về nhóm này theo bản năng nhưng không đồng nghĩa ông ấy sẽ từ bỏ tư tưởng dân túy của mình”. Nghị sĩ Cộng hòa Newt Gingrich, một cố vấn không chính thức của ông Trump, cho rằng tổng thống Mỹ không phải là người dễ thay đổi: “Hãy chờ xem liệu những người New York sẽ thay đổi được ông Trump hay là họ sẽ bị ông Trump thay đổi đến mức nào”. Theo cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway, dù gây ấn tượng và tiếp cận thường xuyên với Tổng thống Trump, “nhóm New York” vẫn chưa tác động được đến chính sách.
Trong khi đó, cánh bảo thủ của ông Bannon chạm đến được hầu như mọi lĩnh vực. Rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris; tăng ngân sách quốc phòng bằng cách cắt giảm ngân sách ngoại giao; soạn luật bảo hiểm y tế mới giảm chi tiêu ngân sách; cứng rắn về nhập cư… tất cả đều mang hơi hướng của nhóm cố vấn bảo thủ. Tháng trước, ông Trump đã không tới New York để xem kịch với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và con gái Ivanka Trump theo lời cố vấn của “nhóm New York”. Thay vào đó, ông chọn đến Tennessee đặt hoa tưởng niệm nhân sinh nhật cố Tổng thống Andrew Jackson và có bài phát biểu hùng hồn. Quyết định này dựa trên lời cố vấn của ông Bannon.
Ông Gary Cohn cũng chưa đủ sức so kè với cố vấn thương mại của ông Trump, ông Peter Navarro, một nhân vật cũng thuộc nhóm ông Bannon. Hai tuần trước tại Phòng Bầu dục, ông Cohn đã ra sức công kích các ý tưởng của ông Navarro. Thế nhưng Tổng thống Trump đã quyết định lên tiếng bảo vệ ý tưởng và quan điểm của cố vấn thương mại thân tín, tờ The Washington Post tiết lộ. Một nguồn tin giấu tên nhận định sở dĩ nhóm đến từ New York khó ảnh hưởng đến các chính sách của ông Trump vì các ý tưởng của họ không mang tầm quốc gia và “ông Donald Trump không phải là thị trưởng New York”.
Lực cản guồng máy
Cán cân chiến thắng có vẻ vẫn nghiêng về phe ông Bannon. Tuy nhiên, chính phủ Trump mới chỉ hoạt động được hai tháng và tương lai vẫn vô chừng. Nỗi lo “nhóm New York” bành trướng ảnh hưởng đã khiến ông Bannon và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus bất ngờ thân thiết với nhau. The Washington Post gọi đây là một “cuộc hôn nhân chính trị gượng ép” vì thực tế quan hệ hai quan chức này khá căng thẳng trong những ngày đầu tại Nhà Trắng.
Cạnh tranh nội bộ luôn là một điều không lạ trong bộ sậu của ông Trump. Thời còn tranh cử, hai cố vấn chiến dịch là Corey Lewandowski và Paul Manafort cũng đã cạnh tranh rất gay cấn. Tuy nhiên, sự chia rẽ giữa hai nhóm cố vấn hiện nay trong Nhà Trắng lại dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng hơn. Chính phủ Trump đã bước vào tháng hoạt động thứ ba. Sự kèn cựa giữa đội ngũ cố vấn sẽ càng làm tăng căng thẳng trong bối cảnh Nhà Trắng đang phải chiến đấu trên nhiều mặt trận, từ bảo hiểm y tế, ngân sách tới thực tế chính phủ còn khuyết hàng trăm vị trí.
Theo tờ The Atlantic, có vẻ cả hai nhóm cũng nhận thức được điều này nên đều cố gắng hạn chế thông tin chia rẽ bằng các cuộc trả lời phỏng vấn chung, cùng tham dự một số sự kiện chính trị. Mới đây, ông Priebus cũng tuyên bố rằng việc ông Trump có một đội ngũ cố vấn đa dạng quan điểm và lập trường là một điểm cộng. Về mình, Tổng thống Trump trước sau vẫn phủ nhận đội ngũ mình có vấn đề. “Đừng để những bản tin giả lung lạc các bạn rằng đội ngũ Trump đang có nội chiến lớn. Chúng tôi đang làm việc rất thuận lợi và hiệu quả!” - ông Trump viết trên Twitter.
Quyền lực của Goldman Sachs Việc các lãnh đạo cấp cao Goldman Sachs vào làm trong chính phủ Mỹ không chỉ có từ thời ông Trump mà vốn đã là truyền thống từ nhiều chính phủ trước, theo New York Times. Thời Chiến tranh thế giới thứ hai, Tổng thống Franklin D. Roosevelt từng chọn Giám đốc điều hành Sidney J. Weinberg của Goldman Sachs vào vị trí trợ lý giám đốc Ủy ban Sản xuất thời chiến. Thời ông Obama, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ New York William C. Dudley vốn là đối tác của Goldman Sachs. Chủ tịch Ủy ban Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Gary Gensler vốn là một đối tác của Goldman Sachs. Còn vào thời ông George W. Bush (Bush con), êkíp của ông giống như dàn lãnh đạo thu nhỏ của Goldman Sachs với trưởng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Stephen Friedman, từng là đồng chủ tịch Goldman Sachs. Chánh Văn phòng Nhà Trắng Joshua B. Bolten là cựu giám đốc điều hành Goldman Sachs tại London, còn Bộ trưởng Tài chính Henry M. Paulson Jr. là cựu giám đốc điều hành Goldman Sachs. |