Theo đó, người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử, người được ủy nhiệm, phóng viên là những thành phần được tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu.
Phóng viên muốn tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu bầu cử và khiếu nại về việc kiểm phiếu phải có thẻ nhà báo còn hiệu lực, được cơ quan báo chí phân công, giới thiệu đến để chứng kiến việc kiểm phiếu bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp. Khi đến tham gia, phóng viên xuất trình thẻ nhà báo có hiệu lực và văn bản phân công hoặc giấy giới thiệu của cơ quan báo chí với tổ trưởng tổ bầu cử để chứng kiến việc kiểm phiếu.
Ủy ban Thường vụ QH lưu ý phóng viên phải tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, nội quy phòng bỏ phiếu và sự hướng dẫn của tổ bầu cử trong quá trình tác nghiệp để không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ bầu cử. Phóng viên nước ngoài muốn tham dự, đưa tin về bầu cử tại Việt Nam thì thực hiện theo quy định tại Nghị định 88/2012 về hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử và người được ủy nhiệm cũng được chứng kiến việc kiểm phiếu với những thủ tục đơn giản. Người ứng cử chỉ phải xuất trình giấy tờ tùy thân hợp pháp, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử thì xuất trình thêm văn bản phân công, chỉ định hoặc giấy giới thiệu; người được ủy nhiệm xuất trình thêm giấy ủy quyền có công chứng.
Ủy ban Thường vụ QH cũng yêu cầu tổ bầu cử tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu và giải quyết và lập biên bản ghi nhận khiếu nại, tố cáo về việc kiểm phiếu. Trong trường hợp không thể giải quyết được thì phải ghi rõ ý kiến của tổ bầu cử vào biên bản và chuyển đến ban bầu cử. Tổ trưởng tổ bầu cử có quyền yêu cầu những thành phần chứng kiến việc kiểm phiếu ra khỏi phòng bầu cử nếu những thành phần này vi phạm nội quy, làm ảnh hưởng đến quá trình bầu cử.