Về chính thức, thông tin các ứng viên giải Nobel Hòa bình được giữ kín và chỉ được Ủy ban Nobel Na Uy công bố 50 năm sau. Tuy nhiên, các nhà tổ chức đã tiết lộ con số ứng viên cho giải Nobel Hòa bình năm nay: 376 - trong đó 228 cá nhân và 148 tổ chức.
Từ năm 2002, Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo bắt đầu vào cuộc lập danh sách ứng viên hằng năm cho giải này mà cơ quan này thấy xứng đáng. Danh sách được Kristian Berg Harpviken duyệt.
Dưới đây là những người có trong danh sách ứng viên Nobel Hòa bình đã được ông Harpviken duyệt.
Bà Svetlana Gannushkina - người Nga.
Bà Svetlana Gannushkina tại một cuộc họp báo ở Moscow (Nga) ngày 4-10-2012. Ảnh: AFP
Bà Gannushkina là một nhà toán học và hoạt động nhân quyền của Nga. Ngoài việc là giáo sư toán học tại ĐH Moscow (Nga), bà Gannushkina còn sáng lập Ủy ban Hỗ trợ Công dân vào năm 1990. Đây là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động về nhân quyền, hỗ trợ pháp lý, giáo dục cùng nhiều hình thức khác cho người nhập cư và người tị nạn.
Hoạt động nhân đạo của bà tập trung vào bảo vệ nhân quyền của những người phải sơ tán khỏi nơi cư trú và các nhóm dân tộc thiểu số ở Nga cũng như ở các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết cũ. Từ năm 2015, tổ chức này bị chính phủ Nga xem là “một cơ quan của nước ngoài”.
Năm 2006, bà được tổ chức phi lợi nhuận People in Need (CH Czech) trao giải Homo Homini vinh danh các hoạt động vì nhân quyền, dân chủ và các giải pháp phi bạo lực cho xung đột chính trị của bà. Bà đã từng là một ứng viên nặng ký của giải Nobel Hòa bình 2010.
Hai Bộ trưởng Năng lượng Iran Ali Akbar Salehi và Mỹ Ernest Moniz.
Phó Tổng thống và Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Akbar Salehi tại Bỉ ngày 14-9. Ảnh: AP
Năm 2015 có tin đồn giải Nobel Hòa bình sẽ thuộc về Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, hoặc Cao ủy Đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini vì những nỗ lực đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ông Harpviken nghĩ rằng để giảm căng thẳng và khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Iran và phương Tây, giải Nobel Hòa bình năm nay nên trao cho hai bộ trưởng Năng lượng Iran và Mỹ.
Tổ chức nhân đạo White Helmets (Syria) hay còn gọi là tổ chức Bảo vệ Công dân Syria.
Nhân viên tổ chức White Helmets cứu người sau một trận không kích ở đông Aleppo (Syria). Ảnh: REUTERS
Thành phần của White Helmets chủ yếu là người dân bình thường, tình nguyện làm cứu hộ khẩn cấp, đánh cược mạng sống mình để cứu dân thường Syria khỏi các đống đổ nát vì giao tranh giữa phe chính phủ và phe nổi dậy Syria trong năm năm nội chiến. Mạng lưới 3.000 người tình nguyện của White Helmets đã cứu khoảng 60.000 người.
Edward Snowden - Mỹ.
Edward Snowden (giữa) nói trong một hội nghị qua điện thoại với người Mỹ tại Johns Hopkins (Mỹ) ngày 17-2. Ảnh: AP
Với chính phủ Mỹ, Snowden là một tên phản bội cần phải bị tống giam vì đã rò rỉ thông tin mật của các chương trình giám sát bí mật của Mỹ. Tuy nhiên, với nhiều nước khác, Snowden xứng đáng là một anh hùng khi tiết lộ các hoạt động do thám bí mật của Mỹ, dẫn đến các cải cách chính trị và pháp lý. Hiện Snowden đang sống lưu vong ở Nga.
Ba nhà hoạt động nhân đạo Jeanne Nacatche Banyere, Jeannette Kahindo Bindu và TS Denis Mukwege - CHDC Congo.
TS Denis Mukwege phát biểu tại Quốc hội châu Âu ở Strasbourg (Pháp) ngày 26-11-2015. Ảnh: AP
Ba người này là thầy thuốc phụ khoa hoạt động điều trị cho các nạn nhân bị cưỡng hiếp và bị bạo lực tình dục khắp CHDC Congo. TS Denis Mukwege thành lập một bệnh viện chuyên phục vụ chương trình này. Đã có hàng ngàn phụ nữ được chữa trị từ chương trình này.
Ngoài các nhân vật và tổ chức trên còn có một số ứng viên khác:
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà được đề cử vì nỗ lực trong giải quyết khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu, cho phép người tị nạn vào Đức bất kể các thách thức từ sự phản đối trong nước.
Giáo hoàng Francis. Là lãnh đạo của 1,2 tỉ người Công giáo, Giáo hoàng Francis là một trong những tiếng nói quan trọng cho hòa bình giữa tình hình xung đột toàn cầu. Tuy nhiên, trong lịch sử giải Nobel, chưa có một Giáo hoàng nào được trao giải Nobel Hòa bình.
Đảo quốc Hy Lạp. Hy Lạp là điểm đến của dòng người tị nạn từ Bắc Phi, Trung Đông đổ về qua Địa Trung Hải. Lòng trắc ẩn và tính nhân đạo của Hy Lạp được đánh giá cao trong bối cảnh những dòng người tị nạn liên tục đổ về bất kể hàng trăm người bỏ mạng trên Địa Trung Hải.
Novaya Gazeta, tờ báo Nga được thành lập từ tiền giải thưởng Nobel Hòa bình cựu Tổng thống Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev được trao năm 1990, hoạt động dưới áp lực của chính phủ Nga hiện tại.
Ngày 3-10, ông Harpviken bỏ Colombia ra khỏi danh sách sau khi dân nước này nói không trong cuộc trưng cầu dân ý thống nhất thỏa thuận hòa bình mà chính phủ ký với phe nổi dậy lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), chấm dứt 52 năm nội chiến.
Cũng theo ông Harpviken, ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và nữ diễn viên người Mỹ Susan Sarandon cũng được đề cử giải Nobel Hòa bình. Ông Trump được đề cử vì những chỉ trích mạnh mẽ của ông được xem như một loại vũ khí ngăn chặn Hồi giáo cực đoan, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), hạt nhân của Iran. Nữ diễn viên Sarandon được đề cử cho đóng góp giúp đỡ người tị nạn ở Hy Lạp.