Ai xác định không phận xung đột?

Ngày 29-7, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế của LHQ (ICAO) tổ chức tại Montréal (Canada) hội nghị nhằm xem xét các biện pháp thích hợp để giảm thiểu nguy cơ gây ra cho máy bay dân dụng xuất phát từ các vùng xung đột.

Điều 9 Công ước Chicago

Reuters đưa tin tham dự hội nghị có các nhân vật chóp bu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI) và Tổ chức Các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (CANSO).

Hội nghị được tổ chức 12 ngày sau khi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines chở 298 người bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine, khu vực giao tranh giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai.

Ngày 24-7, ICAO đã gửi thư cho 191 nước thành viên nhắc lại Điều 9 của Công ước Chicago về hàng không dân dụng quốc tế ngày 7-12-1944. Điều 9 cho phép mỗi quốc gia được quyền hạn chế hoặc cấm bay trên không phận vì lý do an ninh.

Theo công ước trên, ICAO có thẩm quyền ban hành các quy tắc và các quy tắc này sẽ có hiệu lực khi đa số các nước thành viên ICAO thông qua. Mỗi quốc gia ký công ước nếu muốn áp dụng quy tắc riêng thì phải báo cáo với ICAO.

Ngày 27-7 tại Donetsk, nhân viên Cơ quan Tình huống khẩn cấp Ukraine, một tay súng ly khai và hai quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu xem bản đồ thảo luận về tình hình quanh hiện trường. Ảnh: AP

Mỗi nước một khác

Ở Mỹ, Cục Hàng không liên bang đã ban hành hướng dẫn cụ thể như sau:

- Cấm bay trên CHDCND Triều Tiên, Syria, miền Bắc Ethiopia, Libya, Simferopol (Crimea) và Dnerpropetrovosk (gần biên giới Nga).

- Cấm bay dưới 8 km ở Afghanistan, Mali, Yemen, bán đảo Sinai (Ai Cập). Cấm bay dưới 7 km ở Somalia và Iraq (trừ khi hạ cánh xuống sân bay Erbil thuộc vùng tự trị Kurdistan) và dưới 5 km ở CHDC Congo.

- Có rủi ro bị tấn công bằng tên lửa vác vai ở Kenya. Phải xin ý kiến chính phủ trước khi bay vào không phận Iran.

Các nước khác lại đưa ra quy định riêng. Đối với Syria, đến nay chỉ còn hãng hàng không quốc gia Lebanon MEA chấp nhận bay qua Syria để tiết kiệm. Hãng này viện lý do các hãng bảo hiểm không loại trừ tuyến bay này.

Đối với không phận Ukraine, sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, châu Âu và Mỹ đều khuyến cáo tránh bay trên Crimea. Dù vậy, không có thông báo nào cấm bay trên miền Đông Ukraine là địa điểm máy bay MH17 bị bắn rơi.

Ai muốn bay trên Ukraine?

Trước tai nạn máy bay MH17, hãng hàng không British Airways (Anh) hạn chế bay trên Ukraine với lý do bảo đảm an toàn cho hành khách. Các chuyến bay từ Anh đến Bangkok phải bay vòng qua Romania hoặc Belarus.

Ở châu Á, nhiều hãng như Qantas Airways (Úc), Cathay Pacific Airways (Hong Kong), Singapore Airlines (Singapore) cũng quy định như vậy. Trang web FlightAware ghi nhận chỉ có 1/4 số hãng hàng không tránh bay trên miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, báo Le Figaro (Pháp) nhận xét nhiều hãng hàng không khác không làm thế vì đây là đường bay ngắn nhất nối liền châu Âu và châu Á nên sẽ rút ngắn hành trình, tiết kiệm chi phí. Trong số này ở châu Á có Malaysia Airlines, Thai Airways, Air China, China Eastern hay ở châu Âu có KLM, Lufthansa, Turkish Airlines.

Nói tóm, lại bay trên miền Đông Ukraine là chuyện bình thường. Cùng ngày máy bay MH17 gặp tai nạn, có tám chuyến bay thương mại khác bay cùng không phận ở cùng độ cao 10.000 m như máy bay MH17.

DẠ THẢO - ĐĂNG KHOA

Xung đột Ukraine có nguy cơ thành thảm họa

Trong bài viết đăng trên báo The New Zealand Herald, GS Alexander Gillespie ở Đại học Waikato (New Zealand) đề nghị ba bước điều tra tai nạn máy bay MH17:

Tổ chức hai cuộc điều tra: Cuộc điều tra đầu tiên do ICAO bảo trợ và không thể thực hiện đơn phương hay ở tầm khu vực. Lịch sử cho thấy năm 1983, sau khi máy bay dân dụng Hàn Quốc bị bắn hạ khi bay lạc vào không phận Liên Xô (cũ), có tình trạng che giấu thông tin quan trọng như đường bay. Cuộc điều tra thứ hai nên được Hội đồng Nhân quyền LHQ hoặc Ủy ban Tìm kiếm sự thật quốc tế (Thụy Sĩ) bảo trợ.

Đưa thủ phạm ra công lý: Nếu hành động bắn hạ máy bay MH17 chỉ là tai nạn, thủ phạm phải nhận tội và bồi thường. Trong vụ hải quân Mỹ bắn hạ máy bay Iran năm 1988 (290 người chết), tiền bồi thường lên đến gần 100 triệu USD. Nếu đây là hành động cố ý, cần đưa những người có trách nhiệm trực tiếp ra trước công lý.

Kiểm soát loại vũ khí gây thảm họa: Tên lửa đất đối không bắn rơi máy bay MH17 không được quản lý theo luật pháp quốc tế thay vì phải được kiểm soát nghiêm ngặt như mìn, bom chùm, chất nổ dẻo. Cần cấm sử dụng tên lửa đất đối không tại Ukraine.

Nếu vụ bắn máy bay MH17 là hành động cố ý của lực lượng ly khai, GS Alexander Gillespie dự báo quân đội Ukraine sẽ tăng cường chiến dịch quân sự, Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ tăng viện trợ quân sự cho Ukraine và Nga sẽ can thiệp. Lúc đó xung đột Ukraine sẽ trở thành thảm họa.

DUY KHANG

____________________________________

ICAO nên giữ vai trò điều phối lớn hơn trong bảo đảm an toàn bay, ví dụ ICAO phải chịu trách nhiệm xác định không phận nào an toàn rồi thông báo cho các hãng hàng không.

Hiệp hội Phi công Anh

Nếu ICAO nhận trách nhiệm thì có hai trở ngại: Khó bảo đảm chính xác 100% không phận nào an toàn và các nước chưa chắc đồng ý trao quyền này cho ICAO.

Người phát ngôn Icao ANTHONY PHILBIN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm