Ấm áp tình làng nghĩa xóm trong những ngày cận Tết

Con heo nghĩa tình

Bản thân anh Hùng chẳng khấm khá gì. Anh làm nghề sắt cho một cơ sở ở cạnh nhà nên lương cũng chỉ nuôi đủ hai vợ chồng. Thế nhưng đã thành thói quen, trước tết độ sáu tháng là anh Hùng lấy từ khoản tiền dành dụm vài trăm ngàn đồng mua con heo rồi thả rông trong khu đất trống gia đình. 

Anh Hùng (bìa phải) đang trò chuyện vui vẻ với láng giềng. Ảnh: TRẦN NGỌC

Mỗi ngày anh chịu khó lấy thức ăn thừa của bà con khu phố về cho heo ăn. Người khác nuôi heo bán kiếm lời, đằng này anh Hùng nuôi heo làm thịt biếu láng giềng để kho hột vịt ăn trong mấy ngàytết. “Vì không biết giết mổ nên tôi thuê người làm thịt con heo rồi cắt từng miếng nhỏ. Sau đó tôi tới từng nhà biếu bà con trong tổ ăn lấy thảo. Cho dù không nhiều nhặng gì nhưng có dịp gặp người này người nọ, hỏi dăm ba câu chuyện cũng thấy vui vui” – anh Hùng chia sẻ.

Phần thịt dành biếu bà con, anh Hùng chỉ giữ lại bộ lòng và đầu heo để “chén tạc chén thù” với các anh, các chú trong tổ. Lúc này căn bếp nhà anh chộn rộn thấy rõ vì hàng xóm cùng chung tay mỗi người mỗi việc. Người nấu cháo, người làm phá lấu, cũng có người kể chuyện tiếu lâm… khiến không khí thêm rộn ràng. Nấu nướng xong cánh đàn ông dọn ra trước nhà lai rai. “Vì mưu sinh cuộc sống nên mỗi người mỗi việc, ít có cơ hội ngồi chung chuyện trò. Chỉ có dịp như thế này láng giềng mới ngồi lâu, hỏi han sức khỏe, cuộc sống. Những lúc như vầy, tôi cảm thấy tình làng nghĩa xóm gắn bó nhau hơn” – anh Hùng nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Thu, nguyên Bí thư chi bộ 1A (khu phố 1, phường Hiệp Thành, quận 12), nhận định: “Anh Hùng tuy nghèo tiền nhưng giàu tình. Ký thịt anh gửi tặng hàng xóm chứa nặng tình cảm và níu kéo mọi người gần nhau hơn trong những độ xuân về”.

Buổi tất niên đạm bạc tại nhà chú Dũng (bìa trái) luôn rộn rả tiếng cười. Ảnh: TRẦN NGỌC   

Tất niên đạm bạc nhưng ấm lòng xóm giềng

Tương tự, chiều 29 tháng Chạp là chú Lê Văn Dũng (ấp Mỹ Huề, xã Trung Chánh, Hóc Môn, TP.HCM) tổ chứa buổi tất niên nho nhỏ, mời hàng xóm và con cháu đến dự. Chú Dũng tâm sự: “Thiệt tình mà nói, tôi về hưu lâu rồi nên gia cảnh chẳng dư dả gì nhiều. Vì vậy tiệc tất niên chỉ có vài con gà tự nuôi cùng ký thịt heo mua ngoài chợ. Bia bọt, nước ngọt thì anh Sáu, chị Tám gần nhà đóng góp”.

Do ai cũng bận bịu với chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày nên láng giềng gặp nhau chỉ gật đầu chảo, hỏi dăm ba chuyện rồi ai lo công chuyện nấy. Họa hoằn khi có giỗ chạp, cưới hỏi mới có dịp ngồi gần nhau nhưng chuyện trò cũng không nhiều. “Chỉ có tất niên bà con ngồi chơi lâu vì đã thu xếp mọi công ăn việc làm, tha hồ hỏi han chuyện làm ăn năm qua, những dự tính trong năm tới. Tất niên còn là dịp để con cháu khoe vợ đẹp con ngoan. Khoe mới sắm cái này mua cái nọ hoặc tìm được việc làm thích hợp, thu nhập khá” – chú Dũng tỏ lòng.

Không chỉ vậy, những người tham dự trong buổi tất niên tại nhà chú Dũng còn nhắc tới gia cảnh khó khăn của bà Chín. Hoàn cảnh eo hẹp của ông Ba rồi cùng bàn bạc giúp đỡ để bà Chín, ông Ba có cái ăn, cái mặc trong ba ngày tết. “Mọi người trong xóm quan tâm nhau khiến buổi tất niên thêm ấm lòng” – chú Dũng chia sẻ.

Ông Trương Văn Hiển, nguyên trưởng ấp Mỹ Huề, bộc bạch: “Buổi tất niên tại nhà chú Dũng tuy đơn giản nhưng vô hình trung gắn kết tình làng nghĩa xóm với nhau hơn”.

Và mùa xuân đang tới, mang theo bao niềm vui tới mọi nhà…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm