Ở Ấn Độ, trung bình mỗi giờ một phụ nữ bị giết liên quan đến của hồi môn - Ảnh: AP
Thống kê của Cục theo dõi tội phạm quốc gia Ấn Độ công bố tuần qua cho biết trong năm ngoái, có 8.233 phụ nữ bị giết trên cả nước do tranh chấp xung quanh khoản tiền hồi môn mà gia đình cô dâu trả cho chú rể hoặc nhà chú rể khi cưới. Tuy nhiên theo cục này, tỉ lệ tội phạm liên quan đến của hồi môn vẫn ở mức “thấp” là 32%!
AP ngày 4-9 cho biết luật pháp Ấn Độ cấm việc cho hoặc nhận của hồi môn, nhưng trên thực tế, tập quán xã hội tồn tại từ nhiều thế kỷ này hiện vẫn còn phổ biến.
Không chỉ thế, đòi hỏi về của hồi môn thường tiếp diễn trong nhiều năm sau đám cưới. Mỗi năm, hàng ngàn phụ nữ trẻ Ấn Độ bị tưới xăng và đốt đến chết chỉ vì chú rể hoặc gia đình cảm thấy của hồi môn chưa tương xứng.
Cảnh sát và các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ nói lỗ hổng trong luật chống của hồi môn, sự chậm trễ trong việc truy tố hung thủ và tuyên án nhẹ đã dẫn đến sự gia tăng tội ác liên quan đến của hồi môn.
Theo Ranjana Kumari - một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, nhu cầu về của hồi môn thậm chí trở nên gay gắt hơn và nhiều hơn khi nền kinh tế Ấn Độ bùng nổ. Bà cho rằng “văn hóa tham lam” ngày càng tăng khi Ấn Độ mở cửa với hàng hóa nước ngoài, với lớp trẻ thiếu khả năng nhưng thừa ham muốn.
"Hôn nhân đã trở thành thương mại hóa. Nó giống như một đề nghị kinh doanh mà chú rể và gia đình anh ta đưa ra những yêu cầu quá đáng. Và với gia đình càng giàu có, yêu cầu đưa ra càng thái quá", Kumari nói.
Trong khi đó Suman Nalwa - một sĩ quan cảnh sát ở New Delhi chuyên trị tội phạm chống phụ nữ, cho biết việc nhận của hồi môn đã lan rộng đến mọi tầng lớp trong xã hội. "Ngay cả những người có trình độ cao cũng không nói không với của hồi môn", cô nói, và đây chính là lý do chính khiến tội ác liên quan đến của hồi môn không thể giảm mà còn tăng.
Theo MINH ANH (TTO)