Nhiều bậc cha mẹ tin rằng “ăn gì bổ nấy”, nên việc cho trẻ ăn nhiều óc heo để bổ não, giúp trẻ thông minh, tránh đau đầu. Vậy liệu óc heo có thực sự đem lại hiểu quả đó không?
Óc heo có thể kết hợp các thực phẩm khác như đậu Hà Lan, rau ngót, nấu súp, cháo... Ảnh: Internet
Thầy thuốc ưu tú, ThS-BS Doãn Thị Tường Vi - Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng, trả lời trên báo chí, trong 100 g óc heo chứa các thành phần dinh dưỡng như sau: Năng lượng chiếm khoảng 123 kcal; Protid 9,0 g; Lipid 9,5 g (trong đó acid béo no 2,08 g; acid béo không no 1 nối đôi 1,66 g; acid béo không no nhiều nối đôi 1,43 g; cholesterol 2195 mg ); glucid 0,4 g. Như vậy, óc heo là một loại thực phẩm giàu chất béo nhưng tỉ lệ các chất dinh dưỡng lại không cân đối.
Nếu ăn quá nhiều và không khoa học thì sẽ mắc những nguy cơ gì?
Chia sẻ trên Sức khỏe và đời sống, ThS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng, cho biết nếu so sánh óc và tủy heo với một số phủ tạng khác như: tim hay đặc biệt là gan heo, gan gà là loại thực phẩm mà nhiều người cho rằng không tốt, ăn gan là độc… thì hàm lượng chất đạm của óc chỉ bằng một nửa gan, của tủy chỉ bằng 1/9 gan. So với thịt cá, nó chứa lượng đạm thấp, nghèo sắt và ít vitamin. Khi trẻ ăn óc heo thường xuyên, ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ dư thừa chất cholesterol, nguyên nhân gây nên các bệnh về tim mạch, gan nhiễm mỡ. Trẻ em cần nhiều chất đạm để phát triển trí não, còn ăn quá nhiều chất béo thì có thể gây thừa cân - béo phì, ảnh hưởng đến phát triển não bộ.
BS Ngô Thị Phi Yến (Trung tâm Dinh dưỡng) cũng cho rằng khác với suy nghĩ của nhiều người, óc heo không hẳn tốt cho trí não tăng cường sự thông minh của trẻ mà ngược lại còn có thể gây hại, nếu trẻ ăn quá nhiều và thường xuyên. Vì chứa ít chất sắt nên nếu trẻ chỉ ăn đơn thuần trong thời gian dài sẽ dễ bị thiếu máu, thiếu sắt. Tương tự, óc heo không có chứa vitamin A nên nếu không kết hợp với thực phẩm khác thì trẻ rất dễ bị nhiễm trùng và chậm tăng trưởng...
Trên thực tế, các chuyên gia dinh dưỡng đã nghiên cứu và chứng minh, hầu hết não động vật có chứa hàm lượng cholesterol rất cao. Một số tạp chí y khoa của Mỹ, Trung Quốc đưa ra kết quả nghiên cứu cholesterol trên não một số động vật cho thấy cholesterol trong não lợn cao hơn 30 lần so với thịt của chúng (cứ 100 gr não lợn có tới 2.195 mg cholesterol). Do đó, nếu ăn 100 gr não lợn thì lượng cholesterol đã cao gấp 7 lần nhu cầu hằng ngày của cơ thể. Chuyên gia dinh dưỡng, TS Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chia sẻ trên báo chí, nếu ăn thường xuyên sẽ làm xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng acid uric, tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch dẫn đến chứng đau đầu.
Lưu ý khi sử dụng óc heo
Khi mua cần đảm bảo nguồn gốc của não động vật, lựa não còn tươi, không có vết nứt, óc không bị chảy ra ngoài, màu còn đỏ hồng... Ảnh: Internet
Do đó khi lựa chọn cho trẻ, các bà mẹ phải đảm bảo nguồn gốc của não động vật, lựa chọn não còn tươi, không có vết nứt, óc không bị chảy ra ngoài, màu còn đỏ hồng, không có mùi hôi và sờ vào não còn tính đàn hồi, hợp vệ sinh thì chọn mua. Và nên kết hợp óc heo vào các thực phẩm khác như đậu Hà Lan, rau ngót, nấu súp, cháo...
Theo BS Tường Vi: “Khi chế biến, cần làm sạch óc heo để óc không bị tanh bằng cách bóc bỏ màng gân máu, rửa sạch lại óc rồi chế biến. Khi nấu nên kết hợp với những gia vị mạnh như củ gừng, lá gừng, rau răm để khử hết mùi tanh còn sót lại của óc”.
Bác sĩ cho biết thêm, khi nấu không nên cho nhiều nước, tốt nhất là chưng cách thủy hoặc hấp trong nồi cơm, vì nếu nấu nhiều nước và nấu chín kỹ thì sẽ làm giảm một lượng lớn phospholipid có trong óc.