Ngày 24-9, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM), hàng ngàn người đã đến viếng và tiễn biệt Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy, phi công từng bắn rơi bảy máy bay Mỹ qua đời tối 22-9.
Vừa qua, ông Bảy bị đột quỵ khi đang làm vườn. Sau thời gian được các bác sĩ BV Quân y 175 (TP.HCM) tận tình cứu chữa, ông Bảy đã qua đời vào tối 22-9, để lại niềm tiếc thương cho gia đình, đồng đội và người dân. Lễ truy điệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy sẽ được tiến hành vào 5 giờ 30 ngày 26-9-2019.
Từng là thần tượng của giới trẻ
Hòa trong dòng người vào viếng, ông Nguyễn Huỳnh (70 tuổi) không giấu nổi xúc động khi đi vòng quanh linh cữu người anh hùng. Rời khỏi dòng người, ông như không đứng vững, nước mắt trào ra...
Trấn tĩnh sau cơn xúc động, ông Huỳnh chia sẻ ông là người Long An. Dù chưa một lần gặp ông Bảy nhưng từ lâu ông Bảy đã là thần tượng của ông. Bởi vậy, nghe tin về lễ viếng ông Bảy, ông đã chạy xe máy hơn một tiếng đồng hồ lên TP.HCM để được nhìn mặt ông Bảy, cơ hội mà lúc ông Bảy còn sinh thời, ông chưa kịp thực hiện.
Ông Huỳnh kể vào những năm ông Bảy lập kỳ tích bắn rơi bảy máy bay Mỹ thì ông cũng vừa vào đại học ngành nông nghiệp. Ông Bảy là tấm gương anh hùng “bay tài bắn giỏi” được tuyên dương ở toàn trường. Ông còn nhớ như in bức tranh họa sĩ Nguyễn Đức Toàn vẽ ông Bảy cùng với chiếc máy bay huyền thoại MiG17 làm bao sinh viên khâm phục.
Năm tháng trôi đi, ông thành kỹ sư nông nghiệp nhưng ông Bảy vẫn là thần tượng trong lòng ông. Bất kỳ sách nào viết về ông Bảy, ông đều cất giữ sưu tầm.
“Giới trẻ các cháu bây giờ thần tượng minh tinh màn bạc, cầu thủ, ca sĩ, khác thần tượng của thời chú lắm. Ở giai đoạn đó, nếu là thanh niên thì ai cũng có 70% máu lính trong người. Thời chiến tranh, ai làm tốt công việc của mình đều đáng được ngưỡng mộ. Ai cũng có ký ức tuổi trẻ, ông Bảy là một phần ký ức của thế hệ chú. Dự định tết năm nay chú sẽ đi thăm ông Bảy, biếu cặp rượu và ít quà quê nhưng giờ thì không kịp nữa rồi...” - ông Huỳnh tâm sự.
Nâng niu cuốn album giữ những tấm ảnh lúc về già của ông Bảy, trong đó có những hình ảnh lúc ông Bảy hôn mê nằm ở bệnh viện, ông Trần Hồng Sơn, nguyên trực ban trưởng chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân phía Nam, bày tỏ ông Bảy ra đi đột ngột, để lại nhiều hụt hẫng cho anh em, đồng đội.
“Anh Bảy là tấm gương dũng cảm tìm ra cách tiếp cận địch để đánh. Chỉ riêng trong vòng hơn một năm, anh đã bắn bảy chiếc máy bay khiến quân địch khiếp sợ. Chiến công của anh đã khơi nguồn hứng khởi cho lực lượng không quân. Trong lực lượng không quân thời bấy giờ đã phát động phong trào học tập anh Bảy” - ông Sơn kể.
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy ra đi nhưng hình ảnh ông già Nam bộ chất phác, hồn hậu sống mãi trong lòng người ở lại. Ảnh: TÙNG TIN
Tài năng và nhân cách tuyệt vời
Có thời gian từng là cấp dưới, được ông Bảy, khi ấy là trung đoàn phó Trung đoàn 923 huấn luyện bay loại máy bay MiG17, ông Đoàn Hồng Quân cho biết rất ngưỡng mộ kỹ thuật bay “có một không hai” của ông Bảy, nhất là ở khoản xạ kích bách phát bách trúng.
Ông Quân cho hay đem MiG17 đi đánh máy bay tiêm kích cường kích F4 và F105 của Mỹ cũng như đem xe đạp đi đấu với xe máy, máy bay thô sơ đấu với máy bay hiện đại. MiG17 không có radar chỉ đường mà cần chỉ dẫn dưới mặt đất nên rất khó khăn khi xác định khoảng cách với mục tiêu. Ngoài ra, MiG17 còn có tốc độ bay rất chậm, nếu bắn trượt phát đầu tiên thì không thể truy đuổi được máy bay F4 và F105 để bắn tiếp nên đòi hỏi phải tiếp cận và bắn rơi luôn.
“MiG17 bắn bằng đạn pháo nên phải tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách 300, 400 m nên rất dễ bị phát hiện, không như loại máy bay MiG21 hiện đại hơn vì có tên lửa và có radar chỉ đường, ở khoảng cách 1,5 cây số đã nhắm bắn được. Do đó, khi tiếp cận được mục tiêu thì phải bắn trúng đích, khi địch phát hiện thì chúng đã bị trúng đạn và rơi rồi” - ông Quân phân tích.
Đại tá, anh hùng Nguyễn Văn Bảy, tên thật là Nguyễn Văn Hoa, sinh năm 1936, là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES - danh hiệu có từ Chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ năm trở lên. |
Lập nhiều chiến công nhưng trong giao tiếp với đồng đội, ông Bảy để lại hình ảnh luôn khiêm tốn. “Ông chưa bao giờ tự nhận công bắn rơi bảy máy bay Mỹ là của mình mà bao giờ cũng nói đó là chiến công của tập thể và nhiệm vụ cuối cùng của ông là bóp cò. Những chiến công của ông Bảy không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng Phòng không - Không quân, đất nước, bạn bè mà ngay cả sau này, khi gặp lại những cựu phi công của không lực Mỹ, những người năm xưa ở bên kia chiến tuyến đều đánh giá rất cao bản lĩnh, sự thông minh, gan dạ của ông Bảy và các phi công của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung” - ông Quân nói.
Còn trong ký ức của ông Tạ Thu, lần đầu ông gặp ông Bảy là vào tháng 1-1965 ở sân bay Mông Tự (Trung Quốc) khi đang là học viên kỹ thuật không quân vừa tốt nghiệp ở Liên Xô về và được biên chế vào Trung đoàn 923. Ông Bảy nổi tiếng đánh giặc bằng máy bay cổ lổ sĩ MiG17, trên chiến trường ác liệt cũng như những phi công khác, không có sự chọn lựa hoặc ưu tiên.
Những chiến công hiển hách và con người huyền thoại của ông Bảy báo chí và sách vở viết nhiều nhưng về cuộc sống đời thường, ông Bảy cũng giản dị như bao người. Mặc dù có nhà ở TP.HCM nhưng ông vẫn từ giã về quê sống đời trồng trọt, chăn nuôi. “Hỏi anh và lo anh khổ, anh nói tỉnh queo, ở bon chen phố phường mệt. Anh còn thích uống rượu với bạn bè nhưng khi bắt đầu cuộc vui anh luôn giao hẹn là không nói chuyện chính trị. Riêng anh thì kể một kho tàng tiếu lâm và anh kể rất có duyên, nào là cách phân biệt cá tra đực, cái. Ngay cái chết đến với anh cũng nhẹ nhàng. Anh đang làm vườn thì bị xuất huyết não, hôn mê vài chục tiếng, rồi anh tỉnh lại, tỉnh táo vài giờ để chia tay với cuộc đời, với người thân và bạn bè. Có mấy ai được như vậy. Có hàng trăm ngàn chuyện về anh, thật có, thêu dệt có nhưng tuyệt nhiên không ai nói được gì xấu về anh. Cuộc đời anh hùng Nguyễn Văn Bảy không có phiên bản thứ hai” - ông Thu nhớ lại.
Luôn tự hào và noi gương người anh hùng Trưa 24-9, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã dẫn đầu đoàn cán bộ Thành ủy, đến viếng anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy. Ông Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn cán bộ thắp nhang, chia sẻ nỗi mất mát cùng gia đình anh hùng Nguyễn Văn Bảy. Ghi vào sổ tang, ông Nhân bày tỏ lòng thương tiếc: “Người sĩ quan và đảng viên suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho các thế hệ. Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, các cựu chiến binh luôn tự hào và noi gương Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy...”. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng gửi vòng hoa kính viếng. |