Kết quả cuộc đối thoại của Bộ tứ Normandy tại Paris (Pháp) cho thấy đã có ánh sáng le lói cuối đường hầm về hòa bình cho Ukraine, dù con đường còn có thể sẽ dài, cây bút Bryan MacDonald nhận định trong bài viết cho đài RT (Nga).
Ánh sáng cuối đường hầm
Tất cả nội dung các lãnh đạo Bộ tứ Normandy đạt được trong tuyên bố chung tại Paris đều tích cực: Thả các tù nhân ở cả hai bên (chính phủ Ukraine và phe đòi ly khai ở miền Đông - PV) vào cuối năm nay; lập ba vùng đệm mới không liên quan đến cuộc xung đột; lập các hành lang cho phép dân thường di chuyển qua các tuyến kiểm soát ngăn cách các vùng Donetsk, Lugansk ở miền Đông và phần còn lại của Ukraine.
Đặc biệt, Bộ tứ Normandy cũng thống nhất áp dụng “Công thức Steinmeier” vào luật pháp Ukraine. Mang tên cựu ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, “Công thức Steinmeier” kêu gọi tổ chức bầu cử ở các vùng Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine theo hướng trao quyền tự trị cho các vùng này. Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã đồng ý về nguyên tắc công thức này từ tháng 10.
Ngày 9-12 cũng là lần gặp đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Trao đổi nhanh với báo chí trước khi ăn tối với ba lãnh đạo còn lại, ông Putin nói ông “hài lòng” với quá trình đối thoại.
Lần gặp gần nhất của Bộ tứ Normandy là vào năm 2016 với mục đích bàn cách thi hành Thỏa thuận Minsk để giải quyết cuộc xung đột ở Đông Ukraine. Tuy nhiên, từ sau cuộc gặp này đến nay, tiến trình không có nhiều thay đổi. Cuộc gặp ngày 9-12 mang lại rất nhiều hy vọng vì ông Zelenskiy chủ trương hòa giải với Nga, không như người tiền nhiệm Petro Poroshenko vốn có quan điểm cứng rắn hơn. Một tín hiệu lạc quan khác là lãnh đạo Bộ tứ Normandy thống nhất sẽ lại gặp nhau sau bốn tháng nữa, không phải ba năm như sau cuộc gặp lần trước năm 2016. Với các tiến triển đạt được, hy vọng về hòa bình lập lại cho Đông Ukraine hoàn toàn có cơ sở.
Các lãnh đạo Bộ tứ Normandy gặp nhau tại Paris (Pháp) ngày 9-12. Ảnh: REUTERS
Nhìn gần nhưng vẫn rất xa
Có thể nói ánh sáng cuối đường hầm cho hòa bình Đông Ukraine đã xuất hiện nhưng con đường đi tới có lẽ vẫn còn xa.
Trước hết, hai ông Putin và Zelenskiy vẫn chưa thể thống nhất về một giải pháp chính trị dài hạn. Ông Zelenskiy yêu cầu Kiev được trao quyền kiểm soát toàn diện biên giới đất nước trước khi tổ chức bầu cử theo hướng tự trị hóa các vùng Donetsk và Lugansk. Ông Zelenskiy chủ trương các cuộc bầu cử được tổ chức theo luật Ukraine và chỉ tổ chức một khi các lực lượng nước ngoài rút hết khỏi Donetsk và Lugansk.
Trong khi đó, phía Nga đề xuất hai bên (quân chính phủ và quân phe đòi ly khai ở Ukraine) cùng rút quân. Nhưng theo nhà báo MacDonald, chính phủ Ukraine sẽ không đồng ý. Lý do có thể là vì quân chính phủ Ukraine dần chiếm lại được thêm lãnh thổ và không muốn kềm đà thắng lợi. Đó cũng là lý do khiến ông Putin ngày 9-12 đề cập đến chuyện nhất thiết phải tuân thủ Thỏa thuận Minsk. Cụ thể, tại cuộc họp báo chung với các lãnh đạo Pháp, Đức, Ukraine ở Paris tối 9-12, ông Putin nói rõ: “Chúng tôi thực sự có những quan điểm bất đồng. Chúng tôi muốn Thỏa thuận Minsk được tuân thủ. Chỉ cần đọc Thỏa thuận Minsk nói gì. Tại sao chúng ta cần phải hủy bỏ và viết lại Thỏa thuận Minsk?”.
Thỏa thuận Minsk được Bộ tứ Normandy thông qua ngày 12-2-2015 với các nội dung: Quân đội Ukraine và phe đối lập sẽ tiến hành ngừng bắn, rút các loại vũ khí hạng nặng và các lực lượng nước ngoài phải rời khỏi Ukraine; phóng thích tù nhân; Donetsk và Lugansk phải tiến hành bầu cử lại; thay đổi Hiến pháp Ukraine theo hướng trao thêm nhiều quyền tự trị cho các vùng phía đông; khôi phục mọi hoạt động kinh tế tại miền Đông.
"Một vết thương hở trong trái tim châu Âu" - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả về cuộc nội chiến ở Ukraine. |
Hai ông Putin - Zelenskiy, ai gặp khó hơn?
Tình hình trước khi Bộ tứ Normandy có cuộc gặp ngày 9-12 khác với tình hình trước cuộc gặp ba năm trước và so với Ukraine, mọi thứ có vẻ thuận lợi hơn với Nga. Trong khi các vùng Donetsk và Lugansk trông cậy vào hỗ trợ của Nga, tình hình có vẻ phức tạp hơn với ông Zelenskiy.
Với chủ trương hòa giải với Nga và mang lại hòa bình cho Đông Ukraine, điều ông Zelenskiy đang phải đối mặt không chỉ là Nga hay lực lượng ly khai mà cả bộ phận trong nước có quan điểm cứng rắn với Nga, xem việc thực hiện “Công thức Steinmeier” đồng nghĩa với việc đầu hàng Moscow.
Bộ phận này đã từng lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych có quan điểm thân Nga năm 2014 và có thể sẽ lại làm như thế một lần nữa với ông Zelenskiy. Khả năng này còn nguy hiểm hơn khi nhớ lại tiền lệ phương Tây đã chấp nhận và khuyến khích cuộc cách mạng Maidan lật đổ ông Yanukovych.
Dù vậy, khả năng phương Tây đồng lòng ủng hộ một cuộc cách mạng nữa như cuộc cách mạng Maidan năm 2014 sẽ khó xảy ra. Pháp đang chủ trương ưu tiên bình thường hóa quan hệ với Nga, vì thế Tổng thống Emmanuel Macron sẽ khó ủng hộ bất kỳ cuộc nổi dậy nào ảnh hưởng đến ông Zelenskiy. Thủ tướng Đức Angela Merkel thì đang ở giai đoạn cuối cùng trước khi về hưu và rời chính trường.
Trong khi đó về phía Mỹ, không như người tiền nhiệm Barack Obama, Tổng thống Donald Trump không quá tỏ ra ủng hộ việc mở rộng khối NATO. Thực tế việc ông Zelenskiy chưa thể có được một cuộc gặp với ông Trump tại Nhà Trắng phần nào làm suy yếu sức ảnh hưởng của ông trong nước. Ông Zelenskiy cũng không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ trước khi sang Paris và đây là một điểm trừ. Bối cảnh còn phức tạp hơn cho Ukraine khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tối 9-12 đã đi trực tiếp từ Paris sang thủ đô Washington để hội kiến người đồng cấp Mike Pompeo và có thể gặp cả ông Trump.
EU khẳng định sẽ tiếp tục trừng phạt Nga Tại Bỉ, ngày 9-12, Cao ủy An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết EU hiện không có kế hoạch dỡ bỏ trừng phạt cho Nga sau hội nghị này. Theo lời ông Borrell, “rõ ràng không ai nghĩ đến chuyện dỡ bỏ trừng phạt mà không thấy được các kết quả về vấn đề đã khiến các lệnh trừng phạt được ban hành”. Một khi không có quyết định dỡ bỏ, các lệnh trừng phạt kinh tế của EU với Nga sẽ được gia hạn vào cuối tháng này. |