Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội (QH) khóa XV, các đại biểu QH đã thông qua nghị quyết kỳ họp, trong đó cho phép gia hạn áp dụng Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
QH giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trình QH xem xét, thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất.
Nghị quyết 54 của QH ban hành năm 2017 có một số nội dung về chính sách thu nhập tăng thêm dành riêng cho TP.HCM.
Đến năm 2018, Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết chuyên đề 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Chưa kịp triển khai thì xảy ra đại dịch COVID-19 và nhiều diễn biến khó lường từ bên ngoài nên Trung ương quyết định hoãn thực hiện Nghị quyết 27.
Trước tình hình này, riêng với TP.HCM, nghị quyết kỳ họp thứ tư của QH lưu ý riêng về chính sách thu nhập tăng thêm, TP.HCM tiếp tục triển khai theo Nghị quyết 54 nhưng cần tính toán, cân đối để không vượt mức tối đa theo quy định của Nghị quyết 27 của Trung ương.
Một nội dung quan trọng khác, nghị quyết kỳ họp đã xử lý kỹ thuật về mặt pháp lý độ vênh giữa thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính với kỷ luật Đảng trong lúc chưa kịp sửa Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức.
Theo đó, từ ngày nghị quyết này được thông qua sẽ áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật năm năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên kể từ ngày nghị quyết này được QH thông qua.
Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
QH giao Chính phủ hướng dẫn quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất. Khẩn trương nghiên cứu, trình QH xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng.
Một nội dung có tính chất lập pháp khác được bổ sung vào giữa kỳ họp QH là xử lý tạm thời một quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Theo đó, nghị quyết của QH đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam, đồng thời giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện.
QH cũng yêu cầu Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình QH xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.