“Trong Tuần lễ cấp cao APEC, các hoạt động của doanh nghiệp (DN) luôn chiếm vị trí quan trọng và Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp (DN) APEC 2017 tại Đà Nẵng lần này sẽ trở thành sự kiện lớn nhất của cộng đồng DN quốc tế và Việt Nam (VN) từ trước tới nay với sự tham dự của nhà lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới!”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh DN APEC (APEC CEO Summit), đã nhìn nhận như thế về APEC 2017 khai mạc tại Đà Nẵng hôm nay (6-11).
Tiếp tục những cơ hội lớn cho Việt Nam
. Phóng viên:Thưa ông, việc nhà lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới tụ hội tại Đà Nẵng là một điều chắc chắn?
+ TS Vũ Tiến Lộc: Đúng vậy. Tôi khẳng định APEC là “cuộc hội tụ của những người khổng lồ”. Trong Tuần lễ cấp cao APEC, TP Đà Nẵng cũng là nơi mà cả thế giới sẽ hướng về để trông đợi thông điệp từ hàng loạt nhà lãnh đạo vừa được bầu. Như thông báo của Nhà Trắng, trong bài phát biểu quan trọng với cộng đồng kinh doanh tại Hội nghị thượng đỉnh DN APEC, Tổng thống Donald Trump sẽ nêu ra tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, nhấn mạnh vai trò của khu vực trong thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế Mỹ.
Thế giới cũng trông đợi sẽ được nghe tại đây những thông điệp mới của các nhà lãnh đạo vừa bắt đầu nhiệm kỳ mới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và cả những nhà lãnh đạo lần đầu đắc cử như tân Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern…
Tuần lễ cấp cao tại Đà Nẵng là cơ hội để các nhà lãnh đạo thẳng thắn nhìn lại các chính sách, mô hình tăng trưởng và sự thất bại của chúng trong việc tiến tới thịnh vượng chung. APEC và cả VN đang cần những động lực mới cho cải cách và phát triển. Từ góc nhìn của văn hóa phương Đông, có thể coi đây là một sự hợp duyên.
. Vậy VN sẽ dành những sự quan tâm hoặc ưu tiên nào tại APEC 2017?
+ Đó là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các kiến nghị của cộng đồng DN VN cũng xoay quanh bốn chủ đề này.
TS Vũ Tiến Lộc: “APEC 2017 sẽ là một cơ hội lớn tiếp theo cho Việt Nam”. Ảnh: CHÂN LUẬN
Những ưu tiên mà VN đề xuất cho năm APEC 2017 - và đã nhận được sự ủng hộ của các nền kinh tế - không chỉ phù hợp với nhu cầu của APEC mà còn xuất phát từ chính nhu cầu nội tại và đều là những vấn đề mang tính sống còn của VN, là trọng tâm chính sách của Đảng, Nhà nước VN.
. Đấy mới là góc độ DN. Còn ở tầm quốc gia, VN dường như đang trông đợi APEC như là một dịp để truyền đi những thông điệp tích cực, thưa ông?
+ Nhìn lại câu chuyện của VN, nếu chúng ta bắt đầu đổi mới bằng những nỗ lực tự cải cách, sau đó được tiếp sức bằng những cam kết hội nhập mạnh mẽ thì bây giờ đã tới lúc chúng ta phải vươn tới những chuẩn mực cao của thế giới. Và trên thực tế, VN đã đĩnh đạc tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chứ không chỉ tham gia vào những chính sách đã được bàn thảo xong theo kiểu “ván đã đóng thuyền”.
APEC 2017 sẽ là một cơ hội lớn tiếp theo cho VN. Tất nhiên, đúng như chủ đề của APEC, quá trình này cần sự chung tay của tất cả nhưng nước chủ nhà có thể gợi mở và dẫn dắt các thảo luận, định hướng các nội dung. Và việc tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC lần này sẽ khẳng định một thông điệp quan trọng là chúng ta có thể tư duy cùng một đẳng cấp với toàn cầu. Cho tới thời điểm này, các đề xuất của cộng đồng kinh doanh APEC vẫn cơ bản nằm trong khung định hướng mà nước chủ nhà VN đưa ra.
Kết nối đối thoại Đông-Tây
.Trong nhiều lần họp báo về APEC 2017, ông cũng như nhiều chuyên gia đã đề cập đến vấn đề bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc… Liệu điều này có được hóa giải ở Đà Nẵng?
+ Chủ nghĩa bảo hộ cũng là một lựa chọn, là quyền của các quốc gia khi xử lý các vấn đề của mình. Vấn đề là những thảo luận tại Tuần lễ cấp cao APEC lần này có thuyết phục được rằng các quốc gia và mọi cá nhân đều có thể cùng thắng trong hội nhập, trong toàn cầu hóa. Ví dụ như triển vọng về một hiệp định thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương. Cùng với đó, theo những thông tin mới nhất, đã có những tín hiệu rất tích cực cho thấy 11 nước thành viên TPP còn lại đã thu hẹp khác biệt, mở ra triển vọng đột phá về tương lai TPP trong Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Nhìn tổng thể tất cả vấn đề trên, với vị trí của VN như một điểm giao hòa của các xu hướng và có khả năng kết nối các nền kinh tế hàng đầu, chúng ta kỳ vọng Tuần lễ cấp cao APEC 2017 sẽ trở thành một cuộc đối thoại Đông-Tây, một cuộc đối thoại giữa các nền văn minh trên bờ biển Thái Bình Dương với niềm tin rằng trên nền tảng tôn trọng các ý kiến khác nhau, các nền kinh tế có thể tìm ra tiếng nói chung.
. Về tổng quan, ông có nghĩ rằng APEC là một trong những cú hích cho kinh tế VN chuyển đổi và quá trình cải cách kinh tế đạt hiệu quả bền vững hơn không?
+ Kể từ khi VN tham gia APEC năm 1998, diễn đàn này đã trở thành một động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đưa hội nhập kinh tế của VN lên tầm toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau này.
Với Tuần lễ cấp cao APEC 2017, VN có cơ hội thể hiện cho quốc tế thấy năng lực phát triển kinh tế ở một TP hiện đại, năng động như Đà Nẵng, cho thấy VN là một thành viên tích cực với các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Đổi lại, VN có thể thu hút được sự ủng hộ từ các thành viên APEC cho các mục tiêu của mình. Đồng thời, có những đóng góp thiết thực nhằm nâng cao khả năng thích ứng của APEC trong một thế giới đang trải qua những chuyển dịch to lớn với hàng loạt thách thức khu vực và toàn cầu đang nổi lên.
. Xin cám ơn ông.
Đón tiếp hơn 10.000 đại biểu Ông Nguyễn Minh Vũ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Thư ký APEC VN 2017, cho hay: Với chủ đề của năm APEC VN 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, VN và các nền kinh tế thành viên mong muốn tạo được động lực mới cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các ưu tiên của năm APEC VN 2017 sẽ tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; tăng cường liên kết kinh tế khu vực; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nước chủ nhà VN sẽ đón tiếp khoảng 10.000 đại biểu quốc tế, 1.000-2.000 đại diện các tập đoàn lớn, 3.000 phóng viên quốc tế. Để phục vụ cho APEC 2017, VN sẽ huy động khoảng 2.000 tình nguyện viên, 200 sĩ quan liên lạc và rất đông cán bộ tham gia công tác đảm bảo an ninh, lễ tân, hậu cần… VN phải khẳng định quyết tâm cải cách thể chế Một trong những sáng kiến của VN đóng góp vào APEC lần này là Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh (VBS). VBS sẽ được kết hợp với triển lãm xúc tiến đầu tư của 63 tỉnh, TP trên cả nước. VCCI khẳng định sẽ hỗ trợ 63 địa phương chuẩn bị các tài liệu xúc tiến đầu tư theo chuẩn mực thế giới với sự tư vấn quốc tế. Như vậy, cơ hội từ APEC không chỉ dành riêng cho Đà Nẵng mà còn cho các địa phương trên cả nước… Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư rất tự tin về những cơ hội, tiềm năng của VN thì điều khiến họ lo ngại vẫn là những điểm khó tiên liệu trong chính sách, thể chế. Do đó, cần khẳng định, nhấn mạnh quyết tâm và những nỗ lực cải cách thể chế của VN trong thời gian qua. TS Vũ Tiến Lộc |