ASEAN chuẩn bị cho nhiều thay đổi kinh tế - chính trị

(PLO)- Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 khép lại với nhiều văn kiện được ký kết để mở đường cho khối chuẩn bị tốt hơn từ đây đến cột mốc 2025 và xa hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-5, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 ở TP Labuan Bajo (Indonesia) đã chính thức khép lại. Hội nghị được đánh giá diễn ra thành công với nhiều văn kiện quan trọng được ký kết. Trên nhiều vấn đề, ASEAN giữ vững lập trường về kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình.

Ký loạt văn kiện thúc đẩy kinh tế - chính trị

Cổng thông tin chính thức của ASEAN cho biết các lãnh đạo sau ba ngày làm việc đã thông qua tổng cộng 10 văn kiện liên quan tới định hướng kinh tế - chính trị sắp tới.

Ở lĩnh vực chính trị, các lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố về tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN với nội dung tái khẳng định cam kết thực hiện các nỗ lực để duy trì vai trò trung tâm, sự thống nhất và phù hợp của ASEAN trong bối cảnh khu vực đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Tầm nhìn dài hạn của ASEAN là trở thành một cộng đồng hòa bình, ổn định, an ninh, thịnh vượng và kiên cường với năng lực được nâng cao để ứng phó và giải quyết các thách thức một cách hiệu quả.

Cũng trong ngày 11-5, ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc ký thỏa thuận thanh toán nội tệ (LCS) trong thương mại nội khối. Theo thỏa thuận, các nước sẽ thành lập một nhóm hỗ trợ chuyển đổi từ việc sử dụng các loại tiền tệ quốc tế (chủ yếu là USD) sang sử dụng các đồng nội tệ, theo tờ The Jakarta Post.

Một văn kiện có liên quan và đáng chú ý khác là Tuyên bố chung về tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Trong đó, khối cam kết nỗ lực thực thi tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau năm 2025 như được đề ra trong Tuyên bố Hà Nội về tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Nỗ lực này sẽ được triển khai thông qua Nhóm công tác cấp cao về tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau năm 2025 (HLTF-ACV) bắt đầu hoạt động vào năm 2022. ASEAN cũng sẽ tăng cường nỗ lực chung thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên và tăng cường chương trình nghị sự phát triển bền vững trên toàn khối.

Ở lĩnh vực kinh tế, Tuyên bố chung về thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và tăng cường giao dịch bằng đồng bản tệ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp một môi trường kinh doanh thuận lợi để củng cố liên kết khu vực và hệ thống thanh toán để hỗ trợ nhanh hơn, rẻ hơn, an toàn hơn cho doanh nghiệp. ASEAN cam kết cải thiện thanh toán xuyên biên giới minh bạch và toàn diện hơn để thúc đẩy sự phát triển của thị trường nội tệ trong khu vực và giảm rủi ro ngoại hối bất ổn, cũng như mở rộng các tiến triển hợp tác về kết nối thanh toán khu vực và thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong khu vực, với các đối tác ngoài khu vực.

Các lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 ngày 11-5 tại TP Labuan Bajo (Indonesia). Ảnh: VOV

Các lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 ngày 11-5 tại TP Labuan Bajo (Indonesia). Ảnh: VOV

ASEAN kêu gọi kiềm chế ở Biển Đông, Ukraine

Tuyên bố của chủ tịch ASEAN kết thúc Hội nghị cấp cao lần thứ 42 nêu rõ quan điểm chính thức với một số vấn đề an ninh lớn. Về tranh chấp Biển Đông, ASEAN ghi nhận một số quan ngại từ nhiều thành viên về hành vi cải tạo, xây dựng các thực thể thuộc diện tranh chấp, gây thiệt hại môi trường biển, làm xói mòn lòng tin và gây mất ổn định khu vực.

ASEAN mong muốn các bên nỗ lực tiến hành các hoạt động tăng cường lòng tin, tự kiềm chế các hành vi có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp theo nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đông Nam Á phải tiếp tục theo đuổi các giải pháp hòa bình với các nguyên tắc phù hợp với luật pháp quốc tế.

Về vấn đề Myanmar, ASEAN nhắc lại quan điểm thống nhất của khối rằng Đồng thuận năm điểm (5PC) vẫn là cơ sở chính để lập lại hòa bình ở đây. ASEAN cho biết sẽ tiếp tục tham vấn với tất cả các bên liên quan ở Myanmar để tìm ra một giải pháp hòa bình và bền vững, do người dân Myanmar làm chủ, nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi để tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại quốc gia toàn diện.

ASEAN cũng nhắc lại và tiếp tục lên án mạnh cuộc tấn công gần đây vào đoàn xe hỗ trợ nhân đạo của ASEAN tại nước này, quan ngại sâu sắc về sự leo thang của các cuộc xung đột vũ trang và bạo lực ở Myanmar.

Đối với xung đột Nga - Ukraine, ASEAN cho biết cần tôn trọng các giá trị chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ. ASEAN mong muốn hai bên tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và tạo ra một môi trường thuận lợi cho giải pháp hòa bình.

“Xung đột hiện nay đã và đang có ảnh hưởng tiêu cực lên Đông Nam Á, do đó chúng tôi cam kết tăng gấp đôi nỗ lực để giảm thiểu tác động và hướng tới đảm bảo rằng ASEAN của chúng tôi tiếp tục là tâm điểm tăng trưởng của khu vực và thế giới” - tuyên bố chung khẳng định.•

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi ASEAN đoàn kết và thích ứng

Theo cổng thông tin chính thức của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong các phiên làm việc tại hội nghị đã bày tỏ rõ ràng quan điểm rằng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, các nước thành viên ASEAN cần đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, tinh thần tập thể vì mục tiêu chung, hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích của khối.

ASEAN cũng cần phải thích ứng năng động và tăng cường sức mạnh tự thân để khẳng định giá trị chiến lược. ASEAN cần nêu cao tinh thần độc lập, tự lực, tự cường, phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm, giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ với các đối tác, tạo dựng và thúc đẩy văn hóa đối thoại, hợp tác tham vấn, xây dựng lòng tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm