Bà con kiều bào đã đồng hành cùng cả nước để chống dịch

Sáng 24-12, Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã phối hợp tổ chức hội nghị triển khai kết luận số 12/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Gỡ vướng khó khăn về thủ tục để thu hút chuyên gia 

Tại hội nghị, ông Đặng Thanh tình, Phó ban Liên lạc kiều bào quận 1, cho biết vừa qua trên địa bàn có hai chị em là kiều bào ở Anh về lại TP.HCM, cô chị dùng hộ chiếu Ý, cô em dùng hộ chiếu Việt Nam.

nguoi-viet-nam-ve-nuoc-kho

ông Đặng Thanh Bình, Phó ban Liên lạc kiều bào quận 1, chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: LÊ THOA

“Trong đầu mình nghĩ người mang hộ chiếu Việt Nam sẽ về dễ dàng hơn nhưng câu chuyện tại sân bay thì lại xảy ra ngược lại, cô chị dùng hộ chiếu Ý thì vào TP.HCM dễ, còn cô em dùng hộ chiếu Việt thì không biết sao mà kẹt lại 2,5 tiếng, sau phải nhờ cậy mới được” – ông Bình kể và bày tỏ thắc mắc về thủ tục liên quan đến việc kiều bào trở lại TP.HCM sau dịch.

Ông Phạm Hữu Tài, kiều bào Úc, chia sẻ những khó khăn về thủ tục, kinh phí trong việc dùng công nghệ để bảo quản nước nước dừa và đưa gấc Việt Nam ra nước ngoài. Ông Tài đề nghị nên gỡ vướng ở vấn đề này để thu hút chuyên gia đến phục hồi kinh tế - xã hội cho đất nước hậu COVID-19.

Ông Lê Bá Linh, kiều bào Thái Lan, cho biết hơn 10 năm qua ông cố gắng chinh phục thị trường thế giới với những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, sau đó để quay về phục vụ bà con trong nước. “Mong các cơ quan địa phương tạo điều kiện truyền thông hơn nữa đối với các sản phẩm mà chúng tôi đã mất hàng chục năm trời để chinh phục thị trường thế giới” – ông Linh đề nghị.

nguoi-viet-nam-ve-nuoc-kho

Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, tặng hoa cho ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: LÊ THOA

Còn bà Dương Thị Kim Dung, kiều bào Mỹ, cho rằng Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan cần quan tâm đặc biệt, chặt chẽ trong việc nhập các loại vaccine, thuốc điều trị COVID-19 về Việt Nam, làm sao để thuốc về đủ và đúng mục đích, tránh tình trạng thuốc trị ung thư giả xảy ra trong quá khứ.

Đồng thời, không để những thông tin xấu ảnh hưởng đến niềm tin của kiều bào và người dân Việt Nam. Bà khẳng định dù kiều bào ở khắp mọi nơi trên thế giới nhưng luôn hướng về quê hương.

Tạo điều kiện cho kiều bào về nước, nhất là tết Nguyên đán

Chia sẻ với các kiều bào, Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, nhìn nhận trong đại dịch COVID-19, bà con kiều bào đã đồng hành cùng cả nước để chống dịch.

Trong đó, tại các quốc gia mà bà con sinh sống cũng có nhiều hoạt động như may khẩu trang, nấu đồ ăn miễn phí, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam ở các nước sở tại.

nguoi-viet-nam-ve-nuoc-kho

Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ THOA

Tính đến giờ này, kiều bào đã ủng hộ 70 tỉ đồng cho quỹ vaccine và quỹ phòng chống dịch trong nước; ủng hộ khoảng 10 triệu USD trang thiết bị y tế như máy trợ thở, khẩu trang, đồ bảo hộ.

Thậm chí có cô bé chỉ 10-12 tuổi ở Anh đã lên mạng kêu gọi quyên góp ủng hộ cho Việt Nam, tự vẽ tranh, may quần áo và gửi về nước 125 triệu đồng. Ông Nghị đánh giá đây là những câu chuyện xúc động trong bối cảnh TP.HCM căng mình chống dịch, những đóng góp của kiều bào cho công tác chống dịch là rất lớn và hiệu quả.

Về ngoại giao vaccine, ông Lương Thanh Nghị cho biết chưa bao giờ mà Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phải làm việc này. “Trong tình huống khẩn cấp, chúng tôi đã huy động 94 trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước để vận động các nước sở tại tặng hoặc cho vay vaccine. Để rồi Việt Nam là một trong những quốc gia tiêm vaccine nhanh nhất thế giới” – ông Nghị nói.

Liên quan đến việc đưa người Việt Nam trở về nước, ông Nghị thông tin giai đoạn đầu, chủ trương nhất quán là bằng mọi cách đưa công dân Việt Nam về nước, ưu tiên học sinh, sinh viên kết thúc kì học, người lao động hết hợp đồng, người trên 60 tuổi.

Tuy nhiên các chuyến bay phải giãn cách nên không thể đưa nhiều người cùng lúc trở về; chưa kể năng lực cách ly lúc đó vẫn còn hạn chế. Do đó, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoại gặp rất nhiều sức ép khi bà con quở trách sao không hoàn thành nhiệm vụ.

Nói rõ hơn về trường hợp kiều bào mang hộ chiếu Việt Nam nhưng gặp khó ở sân bay, ông Nghị nhìn nhận, trước đây khi thực hiện ‘bình thường mới’ thì ưu tiên người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư kinh doanh, chứ không phải công dân Việt Nam.

“Lúc đó, chuỗi kinh doanh đứt gãy, các công ty lớn bỏ về hết, thiếu lao động, thiếu chuyên gia nên chúng ta tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề trước mắt, nên mới có chuyện người Việt Nam về khó hơn người nước ngoài” – ông Nghị nói và cho biết đó là nghịch lý.

“Từ tháng 9-2021, chúng tôi trình Thủ tướng Chính phủ, phải tạo mọi điều kiện cho công dân Việt Nam, người Việt ở nước ngoài nói chung được về nước, nhất là trong dịp tết Nguyên đán” - ông Nghị khẳng định.

 

Củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Tại hội nghị, ông Tô Đại Phong, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM, cho biết kết luận số 12/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, đã khẳng định hơn nữa tầm quan trọng, vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài.

nguoi-viet-nam-ve-nuoc-kho
Ông Tô Đại Phong, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA

Kết luận cho thấy rằng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận máu thịt, không thể tách rời, có đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo ông Phong, vừa qua hội nghị toàn quốc về công tác đối ngoại khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn cho phép chúng ta tập hợp được sức mạnh dân tộc trong và ngoài nước.

Còn ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, nhìn nhận Kết luận 12 đã khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và nhà nước về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong đó cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có quan hệ gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc và là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Đồng thời, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh toàn dân, bao gồm cả trí lực và vật lực của đồng bào ta ở nước ngoài, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc....

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm