Bà Harris và sự đoàn kết của đảng Dân chủ

(PLO)- Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ khép lại với sự ủng hộ mạnh mẽ của đảng dành cho ứng viên Kamala Harris khi bầu cử Mỹ chỉ còn tính bằng ngày.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đêm 22-8 (giờ Mỹ, sáng 23-8 giờ Việt Nam), Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ khép lại tại TP Chicago (bang Illinois) với bài phát biểu chấp nhận đề cử của Phó Tổng thống Kamala Harris để trở thành ứng viên đại diện đảng cho cuộc đua vào Nhà Trắng.

Bài phát biểu của bà Harris được đánh giá là thành công nhưng con đường sắp tới của nữ chính trị gia dự kiến còn nhiều chông gai.

Bà Harris có bài phát biểu lịch sử, vạch đường lối tranh cử

Bài phát biểu đêm 22-8 đánh dấu một cột mốc quan trọng của bà Harris sau khi bà trải qua một tháng bận rộn tập hợp sự ủng hộ của đảng để thay thế Tổng thống Joe Biden, người trước đó đã tuyên bố rút khỏi cuộc đua.

Theo đài CNN, không có ứng viên tổng thống nào trong lịch sử hiện đại của Mỹ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong thời gian gấp rút như vậy.

Việc chấp nhận đề cử đưa bà Harris đã trở thành phụ nữ da màu đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên nhận được đề cử của một đảng lớn. Mở đầu bài phát biểu, nữ phó tổng thống gửi lời cảm ơn đến chồng bà - ông Doug Emhoff, Tổng thống Biden và phó tướng của bà - ông Tim Walz.

“Khi nghĩ về con đường mà chúng ta đã cùng nhau đi qua, ông Joe biết không, lòng tôi tràn ngập sự biết ơn. Thành tích của ông thật phi thường và lịch sử sẽ chứng minh điều đó” - bà Harris nhắn với Tổng thống Biden.

Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ-1.jpg
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở TP Chicago (bang Illinois, Mỹ) ngày 22-8. Ảnh: CNN

Trong tuyên bố chấp nhận đề cử của đảng, bà Harris cam kết sẽ trở thành một tổng thống “có lý lẽ” và đoàn kết đất nước nếu bà được bầu vào tháng 11.

“Thay mặt cho toàn thể nhân dân, thay mặt cho mọi người dân Mỹ, bất kể đảng phái, chủng tộc, giới tính hay ngôn ngữ, thay mặt cho mẹ tôi và tất cả những ai đã từng bắt đầu cuộc hành trình không tưởng của riêng mình, thay mặt cho người làm việc chăm chỉ, theo đuổi ước mơ, những ai có câu chuyện chỉ có thể được viết nên ở quốc gia vĩ đại nhất trên Trái đất, tôi chấp nhận đề cử của các bạn để làm Tổng thống Mỹ” - bà Harris nói.

Nữ phó tổng thống vạch ra con đường cho nước Mỹ nếu bà đắc cử. Về kinh tế, bà Harris cam kết giải quyết tình trạng tăng giá thực phẩm, thiếu nhà ở, cung cấp hỗ trợ tài chính cho người dân thuộc tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp,...

Bà Harris cũng bảo vệ quyền phá thai và ủng hộ chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Về vấn đề người nhập cư, vốn là mục tiêu mà đảng Cộng hòa nhắm vào để công kích bà, nữ phó tổng thống thể hiện quan điểm cứng rắn hơn, kêu gọi tăng số lượng nhân viên tuần tra để đảm bảo an ninh biên giới.

Về đối ngoại, hiện nay, vấn đề đối ngoại căng thẳng nhất mà Mỹ phải đương đầu là cuộc xung đột Israel-Hamas, cuộc chiến gây ra nhiều cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ trong suốt năm qua. Trong bài phát biểu đêm 22-8, bà Haris đã cho thấy lập trường mạnh mẽ về vấn đề này.

Trong khi nhắc lại “sự ủng hộ cứng rắn” và “cam kết không lay chuyển” đối với Israel, bà lưu ý rằng Israel có quyền tự vệ nhưng “cách thức tự vệ là quan trọng”. Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” của bà về cái chết của dân thường ở Dải Gaza.

Ngoài ra, bà Harris cam kết hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga và tuyên bố sẽ tiếp tục sát cánh với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). “NATO là trọng tâm trong cách tiếp cận của chúng tôi đối với an ninh toàn cầu. Đối với Tổng thống Biden và tôi, cam kết thiêng liêng đối với NATO vẫn là sắt đá” - bà Harris nhấn mạnh.

Bà Harris cũng chỉ trích đối thủ Donald Trump, cho rằng ứng viên của đảng Cộng hòa là người “thiếu nghiêm túc”, đồng thời cảnh báo hậu quả nghiêm trọng với nước Mỹ nếu ông Trump đắc cử.

Theo cuộc thăm dò của Viện Gallup (Mỹ) thực hiện trên hơn 1.000 người Mỹ ở 50 tiểu bang, công bố hôm 22-8, mức độ ủng hộ dành cho bà Harris tăng 13% vào tháng 8, lên 47%. Trong khi đó, mức độ ủng hộ dành cho ông Trump giảm 5%, xuống còn 41%.

Đảng Dân chủ sát cánh cùng bà Harris

Không chỉ riêng đêm 22-8 mà toàn bộ Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ đều tập trung vào Phó Tổng thống Harris, người được xác định là ứng viên đại diện đảng từ khá lâu trước đại hội.

Xuyên suốt thời gian diễn ra đại hội, những nhân vật cấp cao của đảng Dân chủ lên tiếng kêu gọi ủng hộ cho bà Harris, bao gồm Tổng thống Biden và toàn bộ những cựu tổng thống Mỹ đến từ đảng Dân chủ.

“Việc lựa chọn bà Kamala là quyết định đầu tiên tôi đưa ra khi trở thành ứng viên tổng thống của đảng. Và đó là quyết định đúng đắn nhất tôi đưa ra trong toàn bộ sự nghiệp của mình” - Tổng thống Biden phát biểu trong đêm khai mạc Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ.

Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ.jpg
Sân khấu Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở TP Chicago (bang Illinois, Mỹ) ngày 22-8. Ảnh: CNN

Cựu Tổng thống Obama ca ngợi bà Harris là người dành cả cuộc đời để đấu tranh cho những người yếu thế. “Bà Kamala Harris và ông Tim Walz đã cùng nhau giữ vững niềm tin vào câu chuyện cốt lõi của nước Mỹ, đó là tất cả chúng ta đều sinh ra bình đẳng, mọi người đều xứng đáng có cơ hội. Đó là tầm nhìn của đảng Dân chủ” - trang Axios dẫn lời ông Obama.

Cựu Tổng thống Bill Clinton và vợ là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ với bà Harris. “Bà Kamala Harris luôn vì người dân. Trong khi một người khác thì chỉ nghĩ cho bản thân” - ông Clinton nói, ám chỉ ông Trump.

Tiếng nói ủng hộ dành cho bà Harris từ những cựu tổng thống Dân chủ tạo ra sự tương phản rõ rệt so với phe Cộng hòa. Đảng Cộng hòa hiện chỉ còn ông Trump và ông George W. Bush là cựu tổng thống, nhưng ông Bush dường như đang bất đồng quan điểm với đảng Cộng hòa khi cho rằng đảng này hiện có “những tiếng nói lớn theo chủ nghĩa biệt lập, bảo hộ và bản địa”.

Trong đêm 22-8, ngay sau bài phát biểu của bà Harris, ông Trump lên tiếng về đối thủ của mình, cho rằng bà Harris “không thành công, còn tôi thì thành công”.

“Bà ấy chẳng làm gì trong 3 năm rưỡi qua ngoài việc nói, và đó chính là những gì bà ta làm tối nay, bà ấy phàn nàn về mọi thứ nhưng chẳng làm gì cả. Bà ấy không thành công, tôi mới thành công. Tôi đang làm tốt với các cử tri gốc Tây Ban Nha, cử tri da màu và đem lại sự an toàn cho cử tri nữ” - ông Trump nói với đài Fox News.

Theo các chuyên gia, bà Harris đã kết thúc thành công kỳ đại hội trong bối cảnh đảng Dân chủ trở nên đoàn kết, phấn khởi hơn bao giờ hết. Bà Harris đã giúp đảng Dân chủ vươn lên trong các cuộc thăm dò gần đây.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo về những vấn đề mà đảng Dân chủ đang đối mặt trong nhiệm kỳ tổng thống hiện tại, bao gồm giá cả tăng cao, bất ổn kinh tế và động thái từ các đối thủ nước ngoài của Mỹ (như Iran, Nga,..).

Cựu Tổng thống Clinton cảnh báo đảng Dân chủ rằng niềm vui không nhất thiết phải tương đương với số phiếu bầu của cử tri. “Chúng ta đã chứng kiến nhiều ​​hơn một chiến thắng vuột khỏi tầm tay mà chúng ta nghĩ rằng điều đó là không thể” - ông Clinton nói.

Bên cạnh đó, việc nhiều cử tri Dân chủ liên tục chỉ trích ông Trump cũng đang đem lại cho cựu tổng thống những lợi thế nhất định. Cựu Tổng thống Obama cảnh báo đảng Dân chủ rằng khi chỉ trích ông Trump cần tránh thiếu tôn trọng những người ủng hộ ông Trump.

Biểu tình ủng hộ người Palestine tiếp diễn tại ngày cuối đại hội

Hàng ngàn người biểu tình ủng hộ người Palestine trong xung đột Israel-Hamas đã tập trung tại Công viên Union Park, TP Chicago trong ngày cuối cùng của Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, theo đài ABC News.

Những người biểu tình kêu gọi chính phủ Mỹ ngừng gửi viện trợ cho Israel, ủng hộ quyền của người nhập cư, quyền của cộng đồng LGBTQ,..

Số lượng người tham gia biểu tình trong ngày 22-8 là cao nhất trong tuần qua nhưng được đánh giá là ôn hòa hơn những ngày trước. Trước đó, ngày 21-8, 56 người biểu tình đã bị bắt sau khi đụng độ với cảnh sát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm