Binh sĩ Ba Lan mặc đồng phục của đội gỡ mìn chuyên nghiệp, đi vòng quanh khu vực chụp ảnh. Theo truyền thuyết địa phương, đoàn tàu bí ẩn này năm 1945 đã đi vào một đường hầm và không bao giờ xuất hiện trở lại.
Đoàn tàu được đồn đại là chở theo 300 tấn vàng, các tác phẩm nghệ thuật, những bằng chứng về chương trình hạt nhân của Đức Quốc Xã hay thậm chí là chứa căn phòng hổ phách cực quý trị giá hơn 250 triệu bảng Anh được đánh cắp từ một cung điện ở Nga.
Hệ thống hầm do Đức Quốc Xã xây dựng bên dưới Lâu đài Ksiaz, Ba Lan. (Ảnh: Mirror)
Ngày 28-8, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Ba Lan cho biết ông gần như đã chắc chắc vị trí của “tàu vàng”. Thế nhưng Bộ Văn hóa Ba Lan ngay sau đó lại tuyên bố vẫn chưa thể xác nhận.
Hai thợ săn kho báu nghiệp dư, gồm một người Đức và một người Ba Lan, hồi tháng 8 tuyên bố rằng họ đã tìm thấy chiếc tàu lửa này. Họ yêu cầu nên khai quật nó và sử dụng làm địa điểm du lịch.
Tổ chức Nghị viện Do Thái Thế giới thì cho rằng, bất kì vật nào có giá trị mà Đức Quốc Xã đã đánh cắp từ người Do Thái phải được hoàn về cố chủ hợp pháp của nó.
Những người đi tìm kho báu ở vùng hạ Silesia đã tuyên bố phát hiện huy hiệu có in hình chim đại bàng Đức Quốc Xã, một số đồng tiền vàng và kỉ vật khác từ chiến tranh thế giới thứ hai. Với những bằng chứng đó, họ cho rằng đoàn tàu thật sự có thể chứa nhiều đồ trang sức vô giá.
Những tuyên bố trên đã tạo nên cơn “sốt” trong giới săn lùng kho báu, khiến cả những người từ Nhật Bản cũng kéo đến khu vực này.