Ngày 20-5, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông qua báo cáo phương án đầu tư hệ thống giao thông thông minh, giám sát tự động bằng camera trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, việc gắn camera sẽ triển khai tại các tuyến quốc lộ 51, 55 và 56.
Đặt camera giám sát giao thông trên các quốc lộ
Theo Sở KH&ĐT báo cáo, có hai phương án đầu tư đưa ra xem xét: Một là đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách, giao công an tỉnh làm chủ đầu tư. Hai là thuê lại dịch vụ công nghệ thông tin theo đề xuất của Công ty TNHH MTV Thế giới công nghệ (HD King, ngụ TP.HCM).
Đối với việc đầu tư công, dự án hệ thống giao thông thông minh, giám sát tự động bằng camera trên địa bàn tỉnh đã được giao cho công an tỉnh làm chủ đầu tư và triển khai các thủ tục đầu tư từ năm 2016. Mục tiêu là lắp đặt hệ thống camera giám sát, xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ 51, 55, 56.
Đến nay đã triển khai xong các thủ tục phê duyệt chủ trương, báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 133 tỉ đồng, chia làm hai giai đoạn.
Trước mắt sẽ lắp đặt camera giám sát trên quốc lộ 51. Giai đoạn 2 (2021-2023) sẽ xem xét bố trí vốn lắp đặt tại quốc lộ 55, 56 sau khi đánh giá hiệu quả tuyến quốc lộ 51. Hiện dự án được bố trí vốn khởi công mới trong năm 2020 khoảng 20 tỉ đồng.
Camera sẽ được lắp đặt giám sát trước trên quốc lộ 51.
Còn theo phương án thuê dịch vụ của Công ty HD King đưa ra, ngân sách tỉnh sẽ bỏ tiền ra thuê. Về cơ bản đầu tư lắp đặt trang thiết bị máy móc, camera trên các quốc lộ… như nội dung dự án đầu tư mà UBND tỉnh đã phê duyệt.
Tuy nhiên, thời gian dự kiến hoàn thành dự án nếu được duyệt chỉ mất 4 tháng. Tổng chi phí “đội” hơn gần 136 tỉ đồng (chưa bao gồm chi phí quản lý dự án, chi phí vận hành của đơn vị sử dụng).
Chi phí này là mức tổng tiền phải trả cho thời gian 3 năm (HD King chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng). Hết hạn, nếu tỉnh có nhu cầu sử dụng dịch vụ tiếp, hai bên sẽ bàn bạc tái ký hợp đồng.
Lo ngại bảo mật thông tin nếu thuê dịch vụ ngoài
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành cho rằng khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của hai phương án đầu tư là như nhau. Nếu thuê dịch vụ thì thời gian đưa vào hoạt động sớm hơn.
Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công mới, không thể thực hiện việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin bằng nguồn vốn đầu tư công. Ngoài ra, chi phí thuê “đội” cao hơn đầu tư mua sắm mới, chưa kể phí bảo hành…
Liên quan đến công tác bảo mật thông tin, vận hành, nâng cấp hệ thống…, việc thuê dịch vụ ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn nhất định, tỉnh không có quyền chủ động.
Phía công an tỉnh cũng có ý kiến: Qua nắm thông tin thì Công ty HD King là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực buôn bán, cung ứng các thiết bị linh kiện điện tử, viễn thông và lập trình các phần mềm quản lý dịch vụ công, cổng thông tin cho các doanh nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước.
Đơn vị này chưa từng triển khai dự án nào về camera giao thông thông minh. Trong khi đó, thời gian qua, công ty triển khai một số dự án lắp camera quan sát an ninh tại một số tỉnh, thành còn có nhiều tồn tại, vướng mắc, chưa hoàn thiện.
Vẫn đấu thầu chọn nhà đầu tư
Sau khi nghe ý kiến các bên, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, kết luận tiếp tục lựa chọn phương án đầu tư công như đã phê duyệt.
Theo ông Thọ, công an tỉnh và các sở, ngành cần nghiên cứu kỹ, tính toán để thực hiện đầu tư đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, khi đầu tư trang thiết bị, công nghệ, cần nghiên cứu để về lâu dài có thể tích hợp, đồng bộ với hệ thống camera an ninh ở một số địa phương đã lắp đặt, đề án đô thị thông minh sắp tới triển khai trên địa bàn tỉnh, tránh đầu tư lãng phí.
Bởi theo ông Thọ, hệ thống camera trên quốc lộ ngoài mục tiêu cung cấp các dữ liệu, hình ảnh phục vụ cho công tác xử lý giao thông, an ninh trật tự, tải trọng xe sẽ còn nhiều ứng dụng khác… Trước mắt, trung tâm quản lý sẽ đặt tại công an tỉnh nhưng về lâu dài, khi tích hợp với các ngành khác, có thể xây dựng một trung tâm vận hành riêng.
Ông Thọ cũng giao công an tỉnh phối hợp các sở, ngành sớm tiến hành đấu thầu công khai qua mạng, lựa chọn nhà thầu có năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm, uy tín cung cấp, lắp đặt thiết bị giai đoạn 1 dự án theo gói thầu trị giá gần 70 tỉ đồng đã được tỉnh phê duyệt.
“Tỉnh rất trân trọng và hoan nghênh Công ty HD King trong việc đưa ra phương án đầu tư. Nếu công ty quan tâm đến dự án và đáp ứng đủ các điều kiện có thể tham gia đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư sắp tới” - ông Thọ nói.
(PLO)- Tập đoàn FLC muốn xây dựng một tòa tháp cao 70 tầng - điểm nhấn ở Bãi Sau, Vũng Tàu tại vị trí Chợ du lịch Vũng Tàu hiện nay.